Thông báo hoàn cảnh liên hệ Hỏi đáp Những tấm lòng vàng Câu chuyện nhân ái Từ thiện bốn phương Giới thiệu

Bản đồ từ thiện

Chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

>> LD23040: Bé trai 5 tuổi 33 lần vào hóa chất chống chọi với khối u ác của bể thận

Ước nguyện cuối cùng của người chỉ huy

Anh Nguyễn Văn Chương - quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - vào bộ đội năm 1978, khi vừa tròn 20 tuổi. Những năm đầu trong quân chủng hải quân, anh đóng quân chủ yếu ở Đà Nẵng, đến năm 1987 thì vào Cam Ranh trong biên chế Trung đoàn 83. Lúc này, anh Chương mang quân hàm thượng úy, giữ chức trung đội trưởng. Đầu tháng 3.1988, đơn vị của anh nhận lệnh hình thành bộ khung đại đội để lên tàu ra Trường Sa, xây dựng đảo Gạc Ma và một số đảo lân cận.

Anh Chương còn nhớ như in, khoảng 5 giờ sáng 14.3.1988, tàu HQ 604 của các anh tiếp cận vùng đảo Gạc Ma. Cả đơn vị chuẩn bị chuyển vật liệu xuống xuồng nhỏ để đưa vào xây dựng đảo, chưa ai kịp ăn sáng. Lúc này, có 4 tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện, lát sau thêm 3 tàu nữa, tạo vòng vây quanh tàu HQ 604. “Một vài người lo lắng, tôi truyền đạt lệnh của chỉ huy đơn vị, yêu cầu anh em giữ bình tĩnh, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao” – anh Chương nhớ lại. Nhưng chỉ vài chục phút sau, các tàu Trung Quốc đồng loạt bắn xối xả. Các anh chỉ có những dụng cụ xây dựng đảo, trong khi lính Trung Quốc được trang bị vũ khí hiện đại, có cả áo chống đạn nên trận chiến diễn ra không cân sức. Tàu HQ 604 bị chìm, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh dưới hỏa lực tàn khốc của địch. Sau trận đánh, thượng úy Chương cùng một số đồng đội sống sót, dùng xuồng nhỏ chèo đến đảo Cô Lin, nơi hải quân Việt Nam đang trấn giữ. Trong khi đó, một số chiến sĩ từ HQ 604 bị thương, nhảy xuống biển và bị phía Trung Quốc bắt giữ, giam cầm cho đến năm 1991 mới trao trả về nước. Anh Chương nói: “Trong điều kiện lúc bấy giờ, ngoài những đồng đội hy sinh, tôi hoàn toàn không biết thông tin về những đồng đội bị bắt giữ. Lúc đó chúng tôi lấy tổng quân số, trừ đi những người còn sống sót nên xác định có 74 chiến sĩ hy sinh. Mãi vài năm gần đây, khi đọc báo tôi mới biết có những anh em bị Trung Quốc bắt giữ…”. 

Khi được biết trong những đồng đội được Trung Quốc trả về có anh Trương Văn Hiền đang ở tỉnh Đắc Lắc, anh Chương vô cùng vui sướng. Anh Chương đã tìm ngay đến nhà anh Hiền, hai người đồng đội ôm nhau khóc nức nở. “Hai anh em cùng vào sinh ra tử, khi trở về ở cách nhau chỉ 30 cây số, vậy mà gần 30 năm sau mới được gặp nhau” – mắt người chỉ huy bỗng đỏ hoe. Khi được hỏi ước nguyện lớn nhất trong phần đời còn lại của anh là gì, anh Chương tâm sự: “Tôi là một trong những người chỉ huy trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, tận mắt chứng kiến từng đồng đội của mình anh dũng hy sinh. Vì thế, tôi mong ước được một lần cùng những cựu binh đến thăm từng gia đình liệt sĩ, thắp nén hương tưởng nhớ các anh. Nhưng để thực hiện một chuyến đi như vậy đến các tỉnh, thành trong điều kiện kinh tế còn khó khăn là điều không dễ dàng”.

Nhắn tin với cú pháp GM gửi 1407 để góp 20.000đ/ tin nhắn tri ân những người con đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu của tổ quốc và thân nhân của họ

(đăng trên laodong.com.vn,ngày 11:41 AM, 09/08/2016)