Từ khi có điểm trường mới giữa non cao, thầy và trò vùng cao Yên Bái mới được dịp tô vẽ những bức tranh sắc màu trong lớp học.
Dạy trẻ nói tiếng Việt rồi học chữ
Tháng 11 là thời điểm Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) bắt đầu bước vào những ngày tháng sương mù bao trùm. Để đến điểm trường Sáng Pao nằm sâu giữa những dãy núi trập trùng, những ngày mưa, các thầy cô giáo phải đi bộ cả giờ đồng hồ vì đường trơn trượt.
Thầy giáo Lò Văn Liên - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xà Hồ - kể, trước đây, những phòng học tại ngôi trường này đơn sơ, tuềnh toàng được dựng lên tạm bợ bằng gỗ hoặc phên tre, nứa; khá hơn thì có 4 phòng học được dựng bằng các tấm tôn. Vào những ngày thời tiết mưa to, gió lớn, lớp học này bị dột, gió thổi lạnh thấu da thịt...
“Từ năm 2022 khi Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng đầu tư xây dựng điểm trường Sáng Pao quy mô 3 tầng, 6 phòng học, thầy và trò nơi đây đã bớt nhiều vất vả. Hiện nay, các điểm trường đang tiếp tục được cải tạo, nâng cấp để nâng cao chất lượng dạy và học”, thầy Liên chia sẻ.
Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm của các nhà hảo tâm, không khí dạy và học tại Sáng Pao giờ đây đã sôi nổi, thuận lợi hơn rất nhiều. 100% học sinh đều là là con em đồng bào dân tộc thiểu số nhưng cả thầy và trò đã biết sáng tạo, tô vẽ những bức tranh đầy sắc màu quanh phòng học.
Cô giáo Đồng Hương Thu sinh năm 1993 nhưng có 11 năm dạy học tại miền núi. Chồng con ở TP Yên Bái nhưng cô vẫn quyết tâm ở lại đây cũng vì thương đám trẻ.
Theo lời cô Thu, cứ cuối tuần, cô đi xe khách hoặc đi xe máy mất khoảng 3 giờ để về với gia đình, nơi có 2 bé gái sinh đôi xinh xắn, đáng yêu. Còn những ngày trong tuần, cô lại thành mẹ của hàng trăm học sinh bán trú tại điểm trường Sáng Pao.
Cô Thu kể: “Trẻ em người H’Mông vào lớp 1 thì phần lớn các con không biết nói tiếng Việt. Nhiệm vụ của giáo viên là phải giúp các con nói được tiếng Việt trước rồi mới tính đến việc học chữ. Rất vất vả vì bất đồng ngôn ngữ. Nhưng trong nếp sinh hoạt thì các con rất ngoan, tự giác, rất tuân thủ theo tiếng trống điểm”.
“Vén mây” đến trường
Mùa Thị Cở (lớp 9 Trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xà Hồ) học bán trú tại trường, chỉ đến cuối tuần mới về nhà trên bản Cu Vai (bản làng của người H’Mông nằm biệt lập trên ngọn núi cao 1.000 mét so với mực nước biển, được bao phủ bởi sương mù quanh năm). Cở có "thâm niên” nhiều năm học xa nhà nên tính cách tự lập, hoạt bát và biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh.
Mỗi ngày của Cở bắt đầu bằng việc quan tâm đến những em lớp bé ở cùng phòng, chủ yếu là cùng bản Cu Vai với em, đôn đốc các em ăn sáng và lên lớp. Cuối buổi lại cùng thầy cô quan tâm hướng dẫn các em nhỏ học bài.
Cở chia sẻ: "Các em bé sẽ nhìn chị làm gương nên cháu cũng phải làm thật tốt, học thật chăm cho các em làm theo”. Đường xa, học xa, nhớ nhà, thiếu hơi ấm của cha mẹ…, tất cả không ngăn được hành trình tìm chữ của Cở.
Thông thường, chiều Chủ nhật, bố sẽ đưa em xuống trường, nhưng nếu nhà có việc cần em phụ giúp như trồng thêm luống rau cho mẹ, chăm em giúp mẹ… thì nhất định sáng sớm thứ 2, em sẽ quay lại trường.
"Mùa thu, mùa xuân ấm áp thì cũng bình thường ạ, nhưng mùa đông thì trời lạnh lại mù sương, đi từ sáng sớm cũng vất vả cho bố, nhưng cháu không muốn nghỉ một buổi học nào. Ước mơ của cháu là trở thành một chiến sĩ công an nhân dân” - nữ sinh lớp 9 nói về khung cảnh "vén mây” mỗi lần xuống núi đi học.