Hôm nay (5.9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2016-2017. Mùa khai giảng đến trong thời điểm người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn bộn bề lo toan, bươn chải với cuộc sống khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển. Dù có những nỗ lực nhất định nhưng nhiều trẻ em ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế có nguy cơ thất học. Để việc cắp sách tới trường của các em không bị đứt đoạn, Tổng LĐLĐVN, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động, kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam đã gây dựng chương trình “Cùng học sinh miền Trung tới trường”. Những phần quà ý nghĩa, những phần học bổng sẽ được trao đúng hôm nay, ngày khai giảng năm học mới.
Khó khăn chất chồng
Đến Quảng Bình, chúng tôi hỏi cô giáo Hồ Thị Thúy (27 tuổi, trú tại thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), 3 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, thì xoay xở thế nào để đủ trang trải nuôi cả gia đình 6 người. “Tôi phải tằn tiện từng đồng một, cắn răng cầm hơi cho cả nhà, đợi đến lúc cá bán được trở lại để gia đình đi biển, chứ biết làm răng chừ” - chị Thúy nói.
Gia đình của ông Khai nằm ngay mép biển, cả làng cả xã đều bám biển mà sống, bây giờ không đi biển được, tìm việc phụ hồ, bốc vác cũng khó, nên cả gia đình rơi vào túng bấn. Thúy kể, mỗi tháng nhận được 3 triệu đồng tiền lương, cộng thêm vài trăm nghìn trợ cấp của ông Khai và tiền đi bốc vác của chồng, không biết chia sao để đủ chi tiêu cho gia đình 7 người. Nhưng tính chịu khó, giỏi giang nên Thúy vẫn thắt lưng buộc bụng được ngày 3 bữa cho cả nhà, tiền thuốc thang cho bố mẹ và 2 người anh. Riêng đứa con trai của Thúy, thì tiền sữa ít lại, áo quần, giày dép vào đầu năm học mới này bị cắt giảm.
Gánh nặng như vậy, nhưng gặp chúng tôi ở trường mầm non, Thúy vẫn tươi rói và lạc quan về gia đình mình. “Nghe công bố biển sạch rồi, đợi cá biển ăn được nữa là gia đình em lại ra khơi đánh bắt. Nếu cá đánh bắt vào bán được, là có thu nhập như trước, sẽ hết khó khăn như bây giờ” - Thúy nói.
Ngày tựu trường sát nách, chúng tôi đến nhà em Nguyễn Văn Phú - học sinh lớp 4 ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mẹ của Phú - bà Đinh Thị Ngọc - thở dài: “Tôi có 4 người con, nhưng bây giờ nguy cơ phải nghỉ học tất vì không có đồng nào để sắm sửa, lo cho việc học hành”.
Anh chị của Phú “trình độ” cao nhất, chỉ mới học đến lớp 6 đã phải bỏ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Phú là con trai út nên được ưu tiên, nhưng sát ngày nhập học mà bà Ngọc chưa kiếm đâu được ít tiền để sắm cặp, sách vở quần áo cho con. Bố của Phú - ông Nguyễn Văn Tình - nói rằng, ai chẳng mong muốn con cái mình được đến trường, nhưng rơi vào hoàn cảnh này thì không biết làm sao thoát ra được. “Tôi là ngư dân, miếng cơm manh áo dựa vào biển, nhưng không đi biển được thì đến bát cơm hằng ngày còn khó khăn, huống hồ việc con cái đi học. Cháu Phú mới lớp 4 mà phải nghỉ học thì thương lắm, nhưng không nghỉ học thì phải làm sao bây giờ”.
Người dân, giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn trước thảm họa cá chết, đồng nghĩa với việc nhà trường cũng gian nan vì công tác xã hội hóa không còn nữa. Trường Mầm non Đức Trạch ở huyện Bố Trạch đã giăng đầy cờ hoa, chuẩn bị các khâu cuối cùng cho ngày đưa trẻ đến trường. Thế nhưng, bà Lê Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường - vẫn đang chạy đôn chạy đáo xin các nguồn tài trợ cho nhà trường, bởi lẽ cái gì cũng thiếu. Trường có gần 500 trẻ, các lớp học vừa được xây dựng khá khang trang nhưng nhìn vào, lại vắng bóng đồ dùng dạy học cho trẻ. “Nhà trường không có kinh phí để mua, với lại đang nợ tiền xã hội hóa giáo dục gần 100 triệu đồng” - bà Hằng nói.
Cùng chắp cánh cho giấc mơ tới trường
Chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu học sinh của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và có nguy cơ thất học, nhưng số lượng này chắc chắn không nhỏ. Ở nhiều nơi như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì trong những ngày mở trường tập trung học sinh để chuẩn bị cho năm học mới thì tỉ lệ nhập học trở lại thấp. Có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân gia đình khó khăn không thể cho con tới trường, nhưng cũng có nguyên nhân về việc một số người dân ngăn không cho con đến trường với lý do “khi nào có tiền hỗ trợ thì cho bọn trẻ con đi học”.
Để giảm tối đa học sinh nghỉ học, Tổng LĐLĐVN, Quỹ Tấm lòng Vàng sẽ đứng ra phát động chương trình “Cùng học sinh miền Trung tới trường” để kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ giúp đỡ học sinh ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Nguồn tiền được trích từ hoạt động vận động CNVCLĐ hỗ trợ vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy-hải sản chết hàng loạt.
Trước mắt, trong lễ phát động, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động sẽ trao hơn 2 tỉ đồng cho học sinh, giáo viên ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Dự kiến đợt 1 này, 1.600 học sinh sẽ được nhận học bổng, 400 giáo viên khó khăn được nhận các phần quà khác nhau. Ngoài ra, 8 trường sẽ được nhận máy lọc nước và 8 trường khác được tặng giếng khoan. Đồng hành cùng chương trình, Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tặng các em trên 1.000 đèn bàn bảo vệ thị lực.
Những nhà tổ chức chương trình kỳ vọng, hoạt động “Cùng học sinh miền Trung tới trường” sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước để ngày khai giảng trọn vẹn với những học sinh và giáo viên đang gặp nhiều khó khăn.
* Hãy cùng Quỹ TLV tiếp sức học sinh miền Trung. Mọi sự đồng hành xin gửi về địa chỉ: Quỹ TLV: 51 Hàng Bồ, Hà Nội; ĐT: 04.39232748/39232756; hoặc chuyển về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương VN, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Mô hình VNEN chưa phù hợp, nhiều bất cập
Ngày 29.8, ông Đinh Quý Nhân - GĐ Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình - cho biết, đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) từ năm học 2016-2017. Theo đánh giá chung của Sở GDĐT Quảng Bình, việc triển khai mô hình VNEN chưa thực sự phù hợp với điều kiện KTXH, trình độ dân trí của nhiều địa phương nên đã gặp không ít khó khăn, bất cập. Theo Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình, năm học 2016-2017 dự kiến sẽ tiếp tục triển khai mô hình tại 113 trường tiểu học, tăng 30 trường so với năm học trước. Tất cả 95 trường tiểu học còn lại thực hiện nhân rộng mức độ 1 và có 25 trường THCS tiếp tục triển khai mô hình VNEN. L.P.LONG
Hai Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh phải kiểm điểm
Bà Nguyễn Thị Hải Lý - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh - cho biết, do quá trình triển khai VNEN vội vàng, tổ chức đại trà khi chưa báo cáo UBND tỉnh, 2 phó giám đốc phụ trách phải kiểm điểm. Bà Nguyễn Thị Hải Lý cho rằng VNEN có nhiều cái hay nhưng thực hiện được không hề đơn giản, trong đó có yếu tố đội ngũ giáo viên. Hà Tĩnh chỉ triển khai VNEN ở các trường đã tự nguyện.
* Ngày khai giảng đã cận kề, nhưng phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Vinh) vẫn chưa biết con mình sẽ được học theo chương trình VNEN hay chương trình hiện hành. Lãnh đạo Phòng và Sở GDĐT, mỗi bên nói một kiểu.
Bài viết được đăng trên chuyên trang tamlongvang.laodong.com.vn bởi (LĐ) - Số 207 Q.ĐẠI - P.LONG - H.THƠ