Ngôi nhà của hàng trăm trẻ mồ côi
Hơn 14 năm gắn bó với cô nhi viện Phú Hòa, sơ Tuyết Hương thổ lộ, hầu hết trẻ vào đây đều bị bỏ rơi trước cổng. Rạng sáng, thức dậy đi lễ nhà thờ, mỗi lần nghe tiếng trẻ khóc bên ngoài là mái ấm có thêm thành viên mới.
Bé Nguyễn Hoàng Phúc Hưng (4 tuổi) bị mù, cười tươi trong vòng tay yêu thương của sơ Hương. “Cách đây 4 năm trước, giữa đêm khuya giá lạnh, người ta bỏ rơi bé ở cổng cô nhi viện. Nghe tiếng khóc xé lòng, chúng tôi vội chạy ra ôm bé vào thì cơ thể đã tím tái. Các sơ phải thức trắng thay nhau nhóm lửa hơ, sưởi ấm mới cứu được cháu. Tại bệnh viện, bác sĩ nhận định, bé Hưng bị mù nhiều khả năng do người mẹ đã uống nhiều thuốc phá thai, gây biến chứng”, sơ Hương xót xa nói.
Nước da hồng hào, bụ bẫm, nằm quẫy đạp trên tấm nệm nhỏ đặt trên nền gạch hoa sạch sẽ, bé Nguyễn Hoàng Phúc Hải (3 tuổi) cũng có số phận khắc nghiệt. Vào một đêm, các sơ nghe đâu đó có tiếng khóc của một đứa bé. Ra mở cổng, các sơ thấy một đứa bé còn đỏ hỏn ngọ nguậy trong cái chăn nhỏ. “Lúc đầu cháu cũng yếu lắm, da nhăn nheo, chúng tôi sợ cháu không qua khỏi. Nhưng rồi, nghị lực sống của cháu cùng với sự chăm sóc của chúng tôi, giờ đây cháu đã khỏe mạnh, hoạt bát”, sơ Trà Hoa Nữ tâm sự.
Sau một lúc quẫy đạp, bé Hải được chị gái cùng cảnh ngộ Nguyễn Thị Hồng Nhiên (9 tuổi) cho bú sữa bình. Nhìn các con vui cười, sơ Nữ cho hay, hầu hết trẻ mồ côi vào đây không có giọt sữa mẹ nào. Thương nhất là những bé có bệnh lý trào ngược dạ dày hay sứt môi hở hàm ếch, thời gian dài không thể bú sữa được. Sau đó nhờ sự can thiệp của các bác sĩ, tổ chức từ thiện nên bệnh các cháu may mắn được chữa khỏi.
Nhìn nụ cười hồn nhiên của các con, sơ Hương vừa vui mừng vừa chạnh lòng tâm sự: “Cháu nào cũng bị bỏ rơi từ lúc vừa lọt lòng. Có cháu khi phát hiện đã gần tắt thở, mặt mày tím ngắt. Các sơ phải giành giật với thần chết từng giờ từng phút mới cứu lấy được”.
Nói rồi sơ Hương kể về bé trai Lê Văn Lộc có cảnh ngộ hết sức éo le. Nếu không may mắn được một đôi vợ chồng đi làm về trong đêm tình cờ phát hiện, đứa trẻ này sẽ không qua khỏi bởi ai đó đã đành đoạn vứt bỏ giọt máu của mình trong tấm áo choàng cũ nơi chân cầu Bà Tá thuộc xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Hai vợ chồng quáng quàng khi nghe tiếng khóc vọng lên yếu ớt. Bế đứa bé, linh cảm mách họ tin chắc rằng, đứa bé vẫn còn có thể sống.
Vì hoàn cảnh gia đình, bản thân họ không thể mang về nhà mình. Định thần lại, hai vợ chồng đã quay ngược đường mang đứa bé về giao cho các sơ. Tuy nhiên, sau đó các sơ phát hiện Lộc bị hở hàm ếch. Nhưng rồi, nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, giờ đây cháu Lộc đã lành lặn như người bình thường. “Giờ đây Lộc đã khôn lớn, biết đọc biết viết, các sơ ai cũng mừng. Không những vậy, Lộc là đứa trẻ thông minh, cháu thuộc nằm lòng nhiều bài hát thiếu nhi về tình mẫu tử ruột rà và khát vọng ngày mai bình yên, tươi vui của đời người”, sơ Hương chia sẻ.
Dẫu rằng mẹ chẳng sinh con...
Dẫu rằng chẳng bao giờ sinh con, nhưng sau hơn 50 năm thành lập cô nhi viện Phú Hòa, các sơ đã nhận chăm nuôi hàng trăm đứa trẻ không may bị người thân bỏ rơi. Tất cả đều gọi các sơ bằng mẹ. Năm tháng trôi qua, nhiều đứa trẻ đã trưởng thành và ra đời lập nghiệp, thành đạt như bao người khác.
Mỗi cảnh đời se thắt đến với cô nhi viện Phú Hòa đều có một nỗi niềm, gốc gác khác nhau. Những đứa trẻ nơi đây đều được đặt những cái tên rất dễ thương: Hồng Phúc, Văn Lộc, Khải Hoàn, Ngọc Bích, Phúc Hải... Hỏi cha mẹ các cháu không rõ lai lịch thì làm sao có họ, sơ Hương cười hiền: “Các sơ là mẹ chung của các cháu. Họ của các sơ cũng là họ của các cháu”.
Chăm sóc một đứa trẻ bình thường vốn dĩ đã khó, chăm sóc một đứa trẻ mang trên mình quá nhiều khiếm khuyết đòi hỏi các sơ phải hết sức nhẫn nại, chân thành. Nhớ lại những ngày khó khăn nhất, các sơ kể, sau giải phóng nguồn kinh phí bị cắt, hoạt động của cô nhi viện phải hoàn toàn tự túc. Được Nhà nước cho nhận ruộng để làm, nhưng trên ruộng, không có bò có trâu, chỉ với những đôi tay, những bờ vai, các sơ đã làm nên lúa nên gạo để nuôi sống những đứa trẻ. “Hiện nay cô nhi viện này có khu vườn rộng hơn 4,5ha. Ngày ngày các sơ vẫn cặm cụi trồng rau màu. Ngoài việc cải thiện bữa ăn cho các cháu, cũng bán được chút ít đắp đổi gạo, muối qua ngày”, sơ Nữ bộc bạch.
Cháu Hồng Nhiên cho biết: “Các sơ nuôi con từ nhỏ đến lớn, con được các sơ chăm sóc, rồi đi học. Mỗi lần con ốm thì các sơ lo cho con, cho con thuốc. Tụi con ở đây dù không cùng cha cùng mẹ nhưng lúc nào cũng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, luôn nghe lời, hiếu thuận với các sơ. Chúng con biết ơn các sơ nhiều lắm”.
Sự sống của cô nhi viện Phú Hòa luôn có mặt của hàng xóm, láng giềng. Ai có thứ gì thì mang sang cho các cháu thứ ấy, từ nải chuối, quả đu đủ đến lon gạo, hộp sữa... Rồi vào những ngày đặc biệt như Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, cô nhi viện cũng đón các đoàn công tác xã hội từ thiện. Những cuộc viếng thăm này đã đem đến cho các em nhỏ nhiều niềm vui. Người thì giúp tiền, cho gạo, người thì cho sữa, áo quần. “Không có những tấm lòng như thế, các sơ ở cô nhi viện làm sao lo nổi cho các cháu”, sơ Hương xúc động nói.
Khác với nhiều em nhỏ bình thường khác, các em nhỏ mồ côi, tật nguyền sống ở cô nhi viện Phú Hòa không có may mắn bên mẹ, cha. Thế nhưng, các em ở đây không hề có cảm giác cô đơn khi được đón nhận tình cảm từ mọi người xung quanh dành cho mình. Sự quan tâm từ các tổ chức từ thiện sẽ là niềm động viên rất lớn để các sơ tiếp tục đồng hành cùng các em vượt qua nghịch cảnh của số phận, có một cuộc sống tốt đẹp hơn.