Ngư dân sẽ bám biển, bám làng

Quảng Trị có 2.829 tàu thuyền bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó tàu thuyền khai thác ven bờ 2.628 chiếc. Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nói rằng, các vùng biển bãi ngang của tỉnh rất nghèo, vì người dân chủ yếu đánh bắt gần bờ nên không mấy hiệu quả. Cùng với ảnh hưởng của sự cố cá chết, người dân đã khổ này càng thê thảm hơn. Nay có chính sách của Chính phủ và của tỉnh, thì ngư dân cần nắm bắt cơ hội để đóng tàu công suất lớn, vươn khơi xa. “Đây là cơ hội để chuyển nghề, làm thay đổi bộ mặt các xã vùng biển. Tôi cũng nhiều lần khẳng định với các lãnh đạo trung ương, là dân chúng tôi cần ra biển, chứ hỗ trợ tiền gạo chỉ là trước mắt” - ông Chính, nói.

Cơ hội mà ông Chính đề cập đến, là những đề xuất của tỉnh với Trung ương về một số chính sách đặc thù để hỗ trợ, khôi phục và phát triển sinh kế cho các xã vùng biển, đáng chú ý là chính sách hỗ trợ phát triển khai thác. Trong đó, các hộ gia đình đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản công suất từ 90 CV trở lên, sẽ được hỗ trợ 50% giá trị tàu đóng mới (gồm giá trị tàu và ngư lưới cụ), nhưng không quá 1 tỉ đồng. Đối với tàu cải hoán khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90 CV sang tàu có công suất 90 CV trở lên, sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1 CV tăng thêm. Với những thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá có công suất 90 CV trở lên, được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cấp chứng chỉ. Những tàu đánh bắt hải sản từ 90 CV trở lên và thuyền viên trên tàu được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm...

Ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh - cho rằng, quan điểm của huyện là yêu cầu người dân bám biển, bám làng: “Ngư dân thì phải vươn khơi, vừa sản xuất, vừa khẳng định chủ quyền lãnh hải. Nhưng bây giờ ngư trường gần bờ bị sự cố, thì ngư dân cần được hỗ trợ để đánh bắt trung bờ và xa bờ”. Hiện tại, địa phương này đã đăng ký được hỗ trợ để đóng mới 13 chiếc tàu xa bờ, 64 chiếc tàu trung bờ. Cũng như huyện Vĩnh Linh, các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đều có nhu cầu đóng tàu trung bờ và xa bờ.

Đưa kỹ sư nông nghiệp về xã giúp dân

Để giúp người dân vùng biển tại Quảng Trị ổn định đời sống, các phương án chuyển sang sản xuất nông nghiệp cũng được đưa ra bàn bạc. Ngoài những cây trồng truyền thống như đậu, ngô, lạc, dưa và chăn nuôi lợn, bò... thì ông Hồ Xuân Hiếu - Tổng Giám đốc Cty CP Tổng Cty Thương mại Quảng Trị - đưa ra phương án trồng cây sả trên đất cát. Theo ông Hiếu, với 1ha sả trên đất cát thấp nhất một năm (2 vụ) thu được 20 tấn, với giá thấp nhất 3 triệu/tấn, thì sẽ thu lãi 60 triệu đồng. “Cty cam kết thu mua tất cả sản phẩm, một phần sản phẩm sẽ được chúng tôi xuất đi bán nội địa, một phần sẽ chế biến tinh dầu xuất đi thị trường Australia. Chúng tôi đã có đối tác và đảm bảo uy tín về khâu tiêu thụ” - ông Hiếu nói.

Để đi đến quyết định trồng cây gì, nuôi con gì trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Chính nói rằng ở tỉnh Quảng Trị có nhiều kỹ sư nông nghiệp. Mà kỹ sư nông nghiệp tại tỉnh bấy lâu nay nói lý thuyết rất hay, tới đây sẽ đưa các kỹ sư về các xã để xây dựng mô hình. Nếu có mô hình hay, thành công thì sẽ được nâng bậc lương trước thời hạn. Còn mô hình không ra gì, thì phải bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ 16 xã, thị trấn vùng biển mỗi địa phương 200 triệu đồng để xây dựng mô hình kinh tế. Nếu địa phương nào phát triển được mô hình hay, sẽ được hỗ trợ tiếp kinh phí để mở rộng ra các địa phương khác.

Kế hoạch sinh kế cho ngư dân nặng về xây dựng cơ bản

Tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT - cho rằng, để khôi phục sản xuất, phát triển sinh kế cho người dân ven biển giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 2.100 tỉ đồng. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (hạ tầng thủy sản, hạ tầng thủy lợi) - 1.100 tỉ đồng, chuyển đổi sinh kế cho người dân - 200 tỉ, còn lại là khắc phục ô nhiễm, tái tạo nguồn lợi thủy sản...