Thông báo hoàn cảnh liên hệ Hỏi đáp Những tấm lòng vàng Câu chuyện nhân ái Từ thiện bốn phương Giới thiệu

Bản đồ từ thiện

Chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

>> LD23040: Bé trai 5 tuổi 33 lần vào hóa chất chống chọi với khối u ác của bể thận

PHÓNG SỰ Gạc Ma - Khắc khoải một nỗi đau (Kỳ 5): Chuyện của những người sống sót

Những giọt máu để lại…

Trong số những người con xứ Nghệ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma bi hùng năm 1988, chỉ anh Phan Huy Sơn là đã có vợ con. Những ngày “biển động” này, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của gia đình liệt sĩ Sơn ở xóm 2, xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Trong căn nhà ẩm thấp, cũ kỹ có người con trai lớn của liệt sĩ Sơn là Phan Huy Hà. Mặc dù năm nay đã 30 tuổi nhưng Hà như đứa trẻ lên ba, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ rất tội nghiệp. Chị Trần Thị Ninh - vợ liệt sĩ Sơn - đi làm đồng chưa về nên đành phải nhờ cô con gái Phan Thu Trang chạy đi gọi mẹ.

Lát sau, một người phụ nữ khắc khổ, dáng liêu xiêu tất tả chạy về. Chị Ninh bảo: “Nhà có 4 sào ruộng khoán, không nhiều nhặn gì nhưng neo người, đứa con trai lớn bị thiểu năng từ nhỏ nên chẳng giúp đỡ được mẹ, một mình chị cáng đáng cả. Nhà mà thiếu trụ cột gia đình thì vất vả, cực nhọc lắm, em ạ!”. Anh Sơn và chị Ninh cùng tuổi, sau khi học xong cấp 3, cuối năm 1981 cưới nhau. Bốn tháng sau đó anh lên đường nhập ngũ và được cử đi học y sĩ. Năm 1984 đứa con trai đầu lòng ra đời nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ, khiến anh chị như đứt từng khúc ruột. Học xong, anh được điều ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Sau 2 năm công tác, đơn vị cho về phép 4 tháng. Còn đến 15 ngày nữa mới hết phép, nhưng anh nhận được lệnh triệu tập khẩn đi tăng cường Gạc Ma.

Anh Sơn vừa lên đường thì chị Ninh phát hiện mình mang thai cháu Trang. “Khi nghe tin trên đài thông báo anh hy sinh, cảm giác như đất dưới chân chị sụp xuống. Đau đớn và tuyệt vọng đến mức chị chẳng thiết sống nữa. Nhưng rồi nghĩ đến đứa con tật nguyền và cái thai trong bụng chưa biết mặt bố, chị phải gắng gượng đứng lên mà sống” - chị Ninh nói đoạn rồi bật khóc. Chồng hy sinh, một mình chị Ninh ở vậy tần tảo nuôi hai con. Nhưng 26 năm trôi qua, chưa một ngày nào chị hết nguôi ngoai, thương nhớ chồng. Chị sụt sùi: “Ai chết cũng có mồ mả để cúng đơm, hương khói, còn hài cốt chồng chị đến bây giờ vẫn chưa tìm được.

Hồi ức đau thương

Anh Trần Thiên Phụng (SN 1965, trú tại khu phố 6, phường 2, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) là người may mắn sống sót trong trận chiến ở đảo Gạc Ma và bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Trở về với cuộc sống đời thường, anh Phụng cùng gia đình mở một quán bún nhỏ trên đường Kim Đồng để mưu sinh. Ngày chúng tôi đến, anh Phụng cầm trên tay giấy báo tử của chính mình, mắt đỏ hoe: “Khi tàu chiến Trung Quốc khai hỏa, rất nhiều anh em đang ở trong cabin bị trúng đạn. Gia đình nhận được giấy báo tử cứ chắc rằng tôi đã nằm lại cùng đồng đội dưới đáy biển.Nhưng tôi bị Trung Quốc bắt làm tù binh, phải 5 năm sau mới thả về…”.

Thừa Thiên - Huế có 3 chiến sĩ hải quân dự trận Gạc Ma và đều may mắn sống sót. Tuy nhiên cách đây 5 năm, 1 trong 3 người là cựu binh Trần Văn Tự (ở thôn 3 An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã qua đời sau một tai nạn giao thông khi anh đang đi bán bánh bao ở thành phố Huế. Giờ chỉ còn lại ông Bùi Quang Tải (hiện làm nghề lái xe, trú tại 28/7 Cao Bá Quát, phường Phú Cát, thành phố Huế) và ông Huỳnh Đức (làm ruộng, trú tại thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang).

Cũng như bao cựu binh Gạc Ma khác ở khắp cả nước, rời quân ngũ họ trở về với cuộc sống đời thường lo toan bận rộn. Thế nhưng mỗi năm, cứ đến ngày xảy ra sự kiện Gạc Ma (14.3.1988) họ lại tìm đến thăm nhau để ôn kỷ niệm một thời sinh tử nơi biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Đặc biệt năm nay, họ gặp nhau đến 2 lần với lý do: “Biển Đông đang nổi sóng, đất nước đang nguy biến…” - lời ông Tải.

Trong trận Gạc Ma, ông Tự bị thương ở mắt, sau đó được đưa thẳng vào TPHCM điều trị, còn ông Đức bị thương nhẹ ở lưng, điều trị tại một bệnh xá quân y ở Cam Ranh, rồi cùng ra quân. Riêng ông Tải vẫn tiếp tục phục vụ ở đảo Trường Sa cho đến ngày 31.7.1989 mới xuất ngũ về địa phương. Các ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy chương Chiến sĩ vẻ vang.

Tử nạn thương tâm…

Từ Trường Sa trở về, cựu binh Trần Văn Tự lập gia đình và sinh được 4 người con. Không nghề nghiệp, ông phải lên thành phố Huế bán bánh mì, bánh bao dạo kiếm sống. Ngày 5.12.2009, ông Tự đang bán bánh bao trên đường Bà Triệu, không may bị tử nạn vì tai nạn giao thông. Bà Đào Thị Thảo - vợ ông Tự - cho biết: “Nhận được tin dữ, tui đến nơi thì anh đã chết. Người tông vào anh cũng chết tại chỗ”.

Sau khi chồng mất, mọi gánh nặng kinh tế gia đình đổ dồn lên đôi vai bà Thảo. Với nghề chằm nón, thu nhập ngày chưa được 50.000 đồng và 3 sào ruộng, bà vẫn gắng gượng cho con ăn học. Cuộc sống gia đình khó khăn nên dù được chính quyền địa phương cấp cho một lô đất, đến nay vẫn không thể xây dựng được nhà để ở. Cả 5 mẹ con bà hiện vẫn đang sống nhờ trong ngôi từ đường của ông bà nội. Ngày ông Tải và chúng tôi đến thăm, nhắc đến những ngày tháng đã qua, bà Thảo rưng rưng nước

mắt: “Khi còn sống, nhà tôi vẫn thường nói anh sống sót trở về, chẳng cần bất cứ gì ngoài việc các con được ăn học đến nơi, đến chốn”. Thực hiện tâm nguyện của chồng, dù cuộc sống khó khăn, bà Thảo đã gắng cho con ăn học. Hiện tại, con gái đầu là Trần Thị Hảo (22 tuổi) đang học Đại học Y-Dược Huế, ngành điều dưỡng, con gái thứ hai là Trần Thị Mộng Kiều (19 tuổi) năm trước thi trượt, năm nay quyết ôn thi để vào đại học. Người con thứ ba là Trần Văn Hào (18 tuổi) đang học lớp 12 và con gái út là Trần Thị Kiều Oanh (16 tuổi) hiện học lớp 10.

Rời căn nhà của bà Thảo, ông Tải cùng chúng tôi xuống xóm 16 (thôn An Truyền, xã Phú An) thăm ông Huỳnh Đức. Trong khi ông Tải và ông Tự vừa được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì ông Đức hiện vẫn còn bị bỏ sót. Trong câu chuyện buồn của hai cựu binh Gạc Ma, ông Tải sốt ruột nhắc ông Đức: “Răng mi không lên xã hỏi thủ tục mà làm chế độ?”. Ông Đức lắc đầu: “Còn sống được như ri là sướng rồi. Mình không có trình độ nên ngại đi làm giấy làm tờ, khai báo này nọ…”. Nhờ có vợ lanh lợi bán buôn nên cuộc sống ông Đức có phần đỡ hơn so với đồng đội. Mặc dù có tới 6 người con, nhưng vợ chồng ông cũng làm được một ngôi nhà khá kiên cố.

Ông Đức bảo ông và ông Tự còn sống và được sống vui, mạnh khoẻ như bây giờ đã là quá hạnh phúc. Buồn nhất bây giờ là chuyện Trung Quốc đang ngang nhiên xâm lấn Biển Đông và xây dựng trái phép tại đảo Gạc Ma, nơi còn đó máu xương của các đồng đội ông, rồi không biết sẽ ra sao.

(đăng trên laodong.com.vn, ngày 10:31 AM, 12/07/2014)