Không chỉ khai sinh nhiều cách làm hay, mô hình mới như giúp giáo viên có chỗ ở ổn định theo phương thức tích cực: Vận động thêm trong nội bộ để xây Mái ấm Công đoàn có giá trị cao gấp 3 lần so với “chuẩn”, vài năm gần đây CĐ ngành GDĐT Đồng Tháp còn chủ động đề xuất rồi tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ học sinh khó khăn mua BHYT, hỗ trợ giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo, giáo viên qua đời...
5 năm, “Quỹ Tương tế” hỗ trợ trên 21 tỉ đồng
Thấy tôi và Chủ tịch CĐ GDĐT huyện Châu Thành - Hoàng Khắc An - đến thăm, cô Nguyễn Thị Thân - giáo viên (GV) Anh văn Trường PTCS An Khánh (Châu Thành) tươi tắn: “Mấy hôm nay ăn được, ngủ được, vui lắm”. Một cảm xúc lạc quan mà hơn năm trước, tôi chưa một lần nhìn thấy trên gương mặt cô Thân.
Chuyện bắt đầu vào cuối năm 2016, đang hạnh phúc với cuộc sống có đủ “nếp” lẫn “tẻ”, bỗng dưng cô giáo SN 1980 thấy khó ở. Đi khám, thì nhận được tin “sét đánh”: Bị K. Đất dưới chân như sụp đổ khi nghĩ đến cảnh gà trống nuôi hai con nhỏ. “Chồng làm công nhân, thu nhập không cao, hai bên nội, ngoại lại khó khăn...
Rồi mỗi lần tái khám, bác sĩ bảo khối u đang di căn thêm ra... Nhiều lúc tôi như tuyệt vọng...” - cô Thân nhớ lại - “Nhưng nghĩ lại, nếu chấp nhận buông tay sớm, tội nghiệp con... nên tự động viên: Cố lên!”. Rồi như “nắng hạn gặp mưa rào” trong thời khắc “đấu tranh tư tưởng” ấy, cô Thân nhận được sự tiếp sức rất đúng lúc từ tổ chức CĐ.
Ngay sau khi phát hiện hoàn cảnh của cô Thân, ông An đã gửi lời kêu gọi đến toàn thể các tổ chức CĐ trong huyện rồi chuyển đến cô Thân số tiền hơn 80 triệu đồng. “Với tôi, số tiền này có giá trị như 80 tỉ, thậm chí hơn thế nữa.
Bởi không chỉ hỗ trợ đúng lúc, kịp thời để trang trải chi phí điều trị mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn, nó như lời nhắc nhở của toàn thể đồng nghiệp: Không được bỏ cuộc” - cô Thân chia sẻ - “Nó như trụ vững chắc để tôi vịn gượng dậy và đứng lên vững vàng”.
Việc một GV được “nội bộ” hỗ trợ 80 triệu đồng/lần quả là không nhỏ và hiếm thấy, nhưng đó chưa phải là giới hạn cuối cùng. “Trên thực tế, nhiều trường hợp được hỗ trợ cả trăm triệu đồng” - ông An xác nhận. Đây là một trong số hàng trăm GV được CĐ ngành GDĐT huyện Châu Thành chăm lo theo mô hình “Quỹ Tương tế” do CĐ GDĐT sáng lập.
Mỗi khi phát hiện GV hay thân nhân GV mắc bệnh, CĐ gửi thông báo kêu gọi, ĐV đóng góp thông qua CĐCS. Lúc đầu, mức đóng góp 3.000 đồng, sau tăng lên 7.000 đồng/người/lần. Riêng trường hợp GV mắc bệnh hiểm nghèo, mức đóng góp là tự nguyện.
Sau khi thu nhận, báo cáo số liệu về CĐ cấp trên, nơi đây trực tiếp tổ chức trao hỗ trợ. Cách làm này vừa hỗ trợ nhanh, vừa tạo cầu nối tình cảm giữa tổ chức CĐ với đoàn viên (ĐV). Trường hợp hỗ trợ cho thân nhân GV, số tiền ít (5 triệu đồng/suất), CĐ GDĐT huyện (nay là bộ phận CĐ ngành GDĐT thuộc LĐLĐ cấp huyện) sẽ ứng trước để trao kịp thời.
“Thường mỗi lần đóng góp số tiền này trên 5 triệu đồng, chúng tôi dùng số dư còn lại để hỗ trợ GV bị ốm (nhẹ) mà không phải tổ chức vận động thêm” - ông An cho biết thêm.
Đây là một trong số gần 10.000 lượt ĐV được 13 mô hình (12 huyện, thị, thành phố và tỉnh) của hệ thống “Quỹ Tương tế” của CĐ ngành GDĐT Đồng Tháp hỗ trợ trong 5 năm qua. “Không cứng nhắc với một cách làm, mỗi CĐ căn cứ vào nhu cầu thực tế tại chỗ mà xác lập ra mô hình tương tế phù hợp.
Nếu với CĐ huyện Châu Thành là hỗ trợ khi phát hiện bệnh, thì CĐ GDĐT tỉnh lại phát động khi có ĐV qua đời...” - Chủ tịch CĐ ngành GDĐT Đồng Tháp Mai Văn Bé Bảy chia sẻ - “Vì vậy tuy có khác nhau về hình thức, nhưng tất cả đều hướng tới nội dung chung là hỗ trợ tích cực cho CB, CNVC-LĐ”.
5 năm qua, thông qua thăm hỏi ĐV ốm đau, tương trợ, hiếu hỉ... “Quỹ Tương tế” đã hỗ trợ số tiền trên 21 tỉ đồng... “Nhưng điều quan trọng hơn là ủng hộ tinh thần giữa các ĐV, giáo dục cho HS bài học quý về đạo làm người: Lá lành đùm lá rách...” - ông Phạm Chí Năng - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Đồng Tháp - tâm đắc.
Giúp học sinh khó khăn mua BHYT
Không chỉ sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả để gia tăng chăm lo cho CB, CNVCLĐ, CĐ GDĐT Đồng Tháp còn dành nhiều tâm quyết góp phần giúp HS khó khăn an tâm đến lớp học tập, như một cách ươm mầm cho công dân giàu lòng nhân ái trong tương lai. Điển hình là Chương trình “Giúp HS khó khăn mua BHYT”.
Bắt đầu từ niên học 2015 - 2016, cũng như nhiều địa phương cả nước, ngành GDĐT Đồng Tháp đứng trước thách thức lớn từ sự gia tăng tiền đóng BHYT. Nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo lắng tại các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp. Thế nhưng chỉ nửa tháng sau ngày khai giảng, mọi chuyện đã khác hẳn ở Đồng Tháp.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh) Nguyễn Văn Cộ, hớn hở: “Đầu năm trường có trên 30/300 HS không có khả năng mua BHYT. Nhưng giờ đã hoàn thành 100% HS mua BHXH đúng hạn”. Điều này không chỉ giúp cho nhà trường trút bỏ gánh nặng mà còn mang lại “niềm vui hơn cả giấc mơ” cho phụ huynh.
Ông Nguyễn Phước Lộc (60 tuổi) xúc động: “Khi biết tin cháu ngoại Nguyễn Thị Ngọc Hân (lớp 1) được hỗ trợ toàn bộ tiền mua BHYT vợ chồng tôi mừng như tết”. Theo lời ông Lộc, sau khi sinh được hai ngày, K - mẹ đơn thân - đã bỏ con lại cho ông bà ngoại rồi đi làm xa...
Do con không về thăm cũng chẳng gửi tiền nên cuộc sống của vợ chồng già lại thường xuyên đau ốm này thiếu trước hụt sau. Thế nhưng gia đình “3 người không nằm trong tuổi lao động” này vẫn chưa được công nhận hộ nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ vì K vẫn còn tên chung trong hộ khẩu.
Đây là 1 trong số 18.300 trường hợp HS có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 100% phí BHYT với tổng số tiền 7.720.000.000 đồng trong 3 năm qua.
“Cha đẻ” của chương trình nhân văn này chính là ông Mai Văn Bé Bảy. Ông Bảy cho biết: Sau khi nắm tâm tư của nhiều phụ huynh HS, chúng tôi đã chủ động tham mưu lên Ban Giám đốc Sở GDĐT Đồng Tháp ban hành văn bản phối hợp thực hiện cuộc vận động “Giúp HS khó khăn mua BHYT”.
Theo tinh thần đó, tùy theo điều kiện cụ thể mà từng đơn vị xác lập phương thức thực hiện hiệu quả, như: Vận động HS nuôi heo đất, hay tổ chức thùng tiền tại mỗi buổi chào cờ đầu tuần…”. Từ đó đã dấy lên phong trào rộng khắp và thiết thực theo hình thức tự nguyện để giúp những HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài ra, CĐ còn lên kế hoạch điều phối số tiền vận động giữa các trường. “Nếu đơn vị nào vận động thừa nhiều sau khi mua BHYT cho học sinh khó khăn tại chỗ, sẽ chuyển đến hỗ trợ đơn vị trong địa bàn và ngược lại” - ông Bảy cho biết thêm.
Sáng kiến này không chỉ trực tiếp phát huy cao độ tinh thần tình nguyện vì HS thân yêu của đội ngũ GV và nhất là gieo những hạt giống tốt về tinh thần tương thân tương ái trong HS - những công dân tương lai - mà theo xác nhận của nhiều CĐ trường học, qua cuộc vận động này, tình cảm và quan hệ giữa HS - HS và giữa HS - GV thắt chặt, đậm đà hơn trước.
Đặc biệt, còn lan tỏa tinh thần vì “sự nghiệp trồng người” đến nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch HĐQT Cty CP Word Travel chuyên ngành du lịch ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) - chia sẻ: “Khi nghe lãnh đạo CĐ GDĐT Đồng Tháp trình bày, tôi thực sự xúc động và quyết định tham gia đóng góp suốt 2 năm liền với hàng chục suất”.
Từ việc phát động, khơi gợi HS góp sức chia sẻ “Giúp cho bạn có hoàn cảnh khó khăn” mua BHYT, CĐ GDĐT Đồng Tháp không chỉ chứng minh vai trò không thể thiếu của tổ chức CĐ trong nhà trường, hay CĐ còn có khả năng tạo ra sức lan tỏa hành động nhân văn, lòng nhân ái, thương người nghèo trong cộng đồng xã hội... mà qua đó còn gợi bao bài học về việc vận dụng sáng tạo để cho ra những công trình cụ thể thiết, thực trước nhu cầu cuộc sống...