Thông báo hoàn cảnh liên hệ Hỏi đáp Những tấm lòng vàng Câu chuyện nhân ái Từ thiện bốn phương Giới thiệu

Bản đồ từ thiện

Chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

>> LD23040: Bé trai 5 tuổi 33 lần vào hóa chất chống chọi với khối u ác của bể thận

Nhân duyên những cây cầu vùng lũ

Cầu Hòa Lạc (Phú Yên)
Cầu Hòa Lạc (Phú Yên)

Như vậy, sau 100 ngày thi công, hai cây cầu dân sinh Nhất Trí, Hòa Lạc thuộc thôn Phong Hậu, Phong Thăng xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên được nhóm thiện nguyện bao gồm các cá nhân, tổ chức... tiến hành xây dựng đã hoàn thành mỹ mãn và chính thức bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng trước khi những cơn lũ đầu mùa đổ về. Hai cây cầu với kết cấu bê tông, cốt thép vĩnh cửu, phục vụ sự đi lại, vận chuyển cho học sinh, bà con của địa phương vùng lũ, như một nhân duyên của vùng đất với những tấm lòng từ phương xa.

Tiên khởi của việc giúp người...

Năm 2016, tỉnh Phú Yên liên tiếp trải qua nhiều trận lũ lịch sử. Và Quỹ TLV Lao Động lại đến với Phú Yên bằng những kg gạo, gói mì, chai nước mắm... nghĩa tình, trong thời điểm khẩn cấp nhất. Tuy vậy năm nay còn có sự khác biệt khi có hơn 6 ngàn con gà 15 ngày tuổi được một tổ chức thiện nguyện cùng LĐLĐ Phú Yên, phối hợp với Quỹ Tấm lòng vàng trao tận tay cho bà con hai xã An Dân, An Thạnh thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ổn định và phát triển sản xuất, đồng thời đón xuân 2017.

Tính từ trận lụt năm 2007, Quỹ TLV Lao Động đến với đồng bào vùng lũ Phú Yên đã 10 năm. Và chúng tôi băn băn khoăn "chẳng lẽ cứ trao hoài "con cá", mà không tính được kế sách lâu dài gì cho bà con?". Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên hiến kế: "Nên làm vài cây cầu vĩnh cửu, vài trăm mét đường bê tông ở vùng sâu, giúp bà con đi lại, thông thương hàng hóa... thì mới giải thấu đáo nạn đói ăn, thiếu mặc của số đông trong mùa lũ.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên cùng lãnh đạo địa phương khánh thành cầu Nhất Trí
Bà Nguyễn Thị Thu Vân - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên cùng lãnh đạo địa phương khánh thành cầu Nhất Trí
May thay, đại diện cho Hướng Đạo Việt Nam đi trong đoàn, đồng ý tài trợ 250 triệu đồng ban đầu cho ý tưởng này. Hai cây cầu được giới thiệu mang tên Nhất Trí, nằm trên địa bàn thôn Phong Hậu, thuộc xã An Định, huyện Tuy An, đã bị nước lũ cuốn trôi, xiêu vẹo, gây khó khăn cho sự đi lại của bà con. Hiện trạng, đó là một cây cầu ván, tạm bợ được bắc qua sông Kỳ Lộ, tồn tại đã gần 25 năm, chưa có điều kiện thay thế. Mỗi năm, trong mùa lũ, cây cầu đều "nuốt" vài mạng người. Và trong đợt lũ cuối năm rồi, một học sinh tiểu học và 1 người dân trong vùng đã tử nạn tại đây. Theo ước tính của người có trách nhiệm tại địa phương thì kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng.

Vài ngày sau, đoàn khảo sát của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, cùng chính quyền địa phương, và một công ty xây dựng đã đến thực địa. Cây cầu bằng ván, dầm đỡ bằng thanh tà vẹt đường sắt dài 27m, rộng 2,5m bắc qua dòng sông Kỳ Lộ chảy xiết. Vết tích trận lũ cách đó mấy ngày vẫn còn vương lại với hình ảnh rêu rác tơi bời bám quanh. Nước lũ xô lệch cầu nghiêng hẳn về phía hạ du. Thế nhưng hàng trăm học sinh hàng ngày vẫn phải qua đây để đến trường; người dân xã An Định mỗi ngày vẫn phải đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản qua cây cầu ọp ẹp như răng rụng này.

Quả là quá bức xúc! Lần này không "ra tay" không được. Tuy vậy, sau khi đo đạc, đại diện công ty xây dựng phán một câu: "Dưới 1 tỷ, không làm được!". Câu nói nghe như sét đánh ngang tai. Phương án 2, đoàn đề xuất tìm một cây cầu khác phù hợp hơn với túi tiền (khả năng khoảng 200 triệu) đổ lại. Người cán bộ địa phương đưa đoàn về thăm một cây cầu khác thuộc thôn Phong Thăng hẻo lánh cách đó khoảng 2km. Cây cầu này nhỏ hơn, bắc qua một con suối, giải quyết sự đi lại an toàn cho khoảng 100 hộ dân, nhưng quá khuất nẻo và quan trọng là đường vận chuyển vật liệu khá nan giải. Tạm chọn phương án 2, nhưng lòng ai cũng thấy buồn băn khoăn, vì việc xây mới cầu Nhất Trí, nhu cầu quá cần, mà ngân khoản lại có hạn...

Không khó vì ngại núi, ngăn sông!

Nhưng rồi một ánh sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm. Giám đốc, kỹ sư xây dựng Cty Âu Việt Đà Nẵng, Nguyễn Đăng Thịnh nghe câu chuyện, bảo rằng: "Có thể làm được với khoảng 400 triệu". Sau hai ngày, anh lập xong bộ hồ sơ "Thiết kế, dự toán cầu Nhất Trí" tặng cho người dân An Định. Cầu được thiết kế với độ an toàn tối đa, lấy mốc trận lũ lịch sử năm 2009 đã từng tại đây. Trị giá cây cầu hoàn chỉnh là 420 triệu đồng.

Mọi việc được thu xếp ngay sau đó. Thiết kế được cơ quan chức năng thẩm định bảo đảm, và còn vui hơn nữa, chính quyền địa phương đối ứng cho công trình 100 triệu đồng bằng vật liệu; nhiều nhà hảo tâm, thậm chí xa tận Mỹ, Canada cũng gửi tiền về ủng hộ, vừa đủ chi phí xây dựng cây cầu.

Đặc biệt anh Dương Xuân Đào, nguyên là Giám đốc chi nhánh Phú Bổn của Cty Xây dựng Cienco5, xung phong nhận chỉ huy, tổ chức xây dựng công trình, cùng anh Trương Anh, nguyên là chủ một cơ sở cơ khí, anh Lê Văn Thanh, trú tại Thị xã Phú Bổn - Gia Lai và Kon Tum cách đó gần 200 km, tự nguyện "cơm nhà áo vợ" về Phú Yên chỉ huy, tổ chức thi công công trình.

 
Trong lễ khởi công ngày 1.3.2017, ông Bùi Văn Thành, chủ tịch huyện Tuy An cảm động nói: "Địa phương còn nghèo. Suốt hơn 20 năm, qua 5 đời lãnh đạo, hôm nay mới làm được cây cầu này. Nếu không có các tấm lòng hảo tâm thì chắc bà con xã An Định còn phải chờ lâu nữa". Và dĩ nhiên những tai nạn thương tâm cũng sẽ chờ chực uy hiếp tính mạng của các em học sinh, người dân qua cầu trong mỗi mùa lũ...

Thời tiết Phú Yên mùa này nắng gió thất thường. Nhóm thi công tận dụng vật liệu sẵn có tại hiện trường để xây dựng lán trại, ngủ nghỉ làm việc ngay tại chỗ. Nhiều ngày nhân công trên công trường phải hứng chịu cái nắng nóng 35-37 độ.

Khó nhất trong thi công cầu Nhất Trí là tất cả đều làm bằng sức người, do đường vào cầu chỉ rộng 2 mét nên không một phương tiện cơ giới nào vào được. Dù mùa khô, nhưng sông Kỳ Lộ vẫn ăm ắp nước; độ sâu luôn từ 3,5-4 m.

Trụ cầu đầu tiên phía Nam phải sử dụng đến phương án thứ 3 mới hoàn thành tốt đẹp. Xử lý trụ cầu thứ nhất, bờ kè làm bằng hàng ngàn bao tải cát và tole nhiều lần không ngăn không nổi áp lực dòng nước dữ nên bị vỡ tung. Một lão nông trong làng cứ tấm tắc khen "lòng thành" của những con người vì cộng đồng.

Theo quan niệm mê tín của địa phương, ông cho rằng suốt hơn 20 năm qua, nhiều lần các nhà hảo tâm muốn, mà không làm được cây cầu là do "âm binh" cầu Nhất Trí mạnh, dữ phá quấy. Và lòng can đảm, sự khéo léo cùng tri thức thâm hậu, cuối cùng chiếc trụ thứ nhất cũng mạnh mẽ vươn lên khỏi mặt nước, rồi thứ hai, thứ ba... lần lượt hoàn thành. Đó cũng là bài học kiên trì, biết sáng tạo, vận dụng phù hợp giữa kiến thức và thực tế lao động của những người thiện nguyện.

Sau cầu Nhất Trí, cầu dân sinh Hòa Lạc cách đó gần 2 km cũng được khởi công xây tặng bà con thôn Phong Thăng. Đã có kinh nghiệm, chiếc cầu thứ hai được xây trong vòng 2 tháng, kịp bàn giao cho bà con sử dụng trước khi những trận lũ đầu mùa ập đến. Thế mới biết, "đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi...". Một khi đã đồng lòng; hợp đủ điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì núi cao, đường xa... đến bao nhiêu, người làm công tác xã hội cũng có thể bước qua, trên con đường giúp ích tha nhân.