Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Với tinh thần “ở đâu có giặc là chúng tôi cứ đi”, 800 thầy giáo, cô giáo trên mảnh đất Quảng Trị hành trình qua sông Bến Hải vào tận đất mũi Cà Mau.
Người chiến sĩ năm đó cùng với 20 đồng đội khác bị thương được điều trị tại Bệnh viện 43 Quảng Bình. Nhờ có những giọt máu của cô thanh niên xung phong cùng với các y tá trong bệnh viện, người chiến sĩ cách mạng ấy đã sống cho đến tận bây giờ.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, ông Tú đã từng tham gia hiến máu tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1963). Chia sẻ kỉ niệm tham gia hiến máu lần đầu trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, ông Tú cho biết: “Ngày đó, có ai biết gì về hiến máu đâu, chúng tôi tham gia theo lời kêu gọi, chỉ biết đi là đi vậy thôi. Các thanh niên nam chẳng lo lắng gì nhưng các bạn nữ thì sợ sệt, hồi hộp lắm”.
Giờ đây, làm bố của 3 người con trai, ông Tú luôn nhắc nhở, dặn dò con mình sắp xếp thời gian tham gia hiến máu nhân đạo. “Nhờ các cô thanh niên xung phong cho máu mà ba mới được cứu sống, bây giờ các con cần phải tham gia hiến máu, đó chính là cách trả ơn cho những gì đã qua. Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta và dòng máu đó sẽ chẳng bao giờ mất đi bởi có ai nỡ phũ giọt máu hồng vô giá”.
Từ câu chuyện của mình, các con của ông Tú tin theo cha và hăng hái với các hoạt động xã hội.
Sau những năm khói bom, đạn lửa, khi trở về, ông Tú tiếp tục đóng góp tiếng nói của mình khi tham gia hội người cao tuổi, luôn vận động người thân, làng xóm tham gia hiến máu nhân đạo…cuộc sống của ông vẫn “trẻ” như ngày nào.
Ông Dương Tú Anh khuyên nhủ các thế hệ trẻ Việt Nam bằng lời nói mãnh liệt như chàng trai năm ấy ra trận, bằng giọng nói thét ra lửa: “Các bạn cần phải học, học trong thực tiễn, trong tuyên truyền. Học để nâng cao trí tuệ, xây dựng ý chí vững chắc và có bản lĩnh vững vàng. Tôi đã 81 tuổi, tôi muốn sống lại như các anh chị, như các bạn trẻ bây giờ”.