Nằm trong con ngõ nhỏ giữa lòng thủ đô, nơi có những người bệnh nhân gầy gò, nước da luôn xám xịt đang đấu tranh với bệnh tật, giành giật sự sống. Ngoài thời gian chạy thận ở viện, họ vẫn hợp sức cùng nhau gieo những ô rau xanh hay làm những việc gì vừa với sức để có tiền trang trải cuộc sống.Những nông dân - bệnh nhân vật lộn với khó khăn
Tìm đến xóm chạy thận ở đường Lê Thanh Nghị (gần Bệnh viện Bạch Mai) nơi có hơn 130 bệnh nhân chạy thận quanh năm sinh sống. Họ đều có tình trạng bệnh gần giống nhau, cùng gắn cuộc sống với những ca lọc máu mệt mỏi và vô cùng tốn kém. Bệnh nhân Mai Anh Tuấn (được các bệnh nhân tặng “chức” trưởng xóm thận) quê ở Hòa Bình: “Xóm này chủ yếu là những người chạy thận, thuê nhà ở đây để sống và đều có bệnh nặng. Bởi vậy mọi người cùng nhau đùm bọc, che chở cho nhau mà sống, tất cả đều xa nhà”.
Ngoài các buổi phải đi lọc máu, nhiều người trong xóm còn làm thêm các việc như: Chạy xe ôm, bán nước chè vỉa hè, có người lại đi rửa bát thuê cho các quán ăn kiếm thêm thu nhập. Những người không kiếm được việc gì vì bệnh nặng quá thì quanh quẩn ở phòng trọ. Bởi vậy họ luôn khao khát được làm việc gì đó kiếm niềm vui cho cuộc sống, kiếm thêm một chút thu nhập cho mình. “Sau khi nhóm Sen Xanh vào đây làm từ thiện rồi họ lên ý tưởng hỏi chúng tôi có muốn trồng rau mầm bán cho các siêu thị không? Khi tôi đưa về ý kiến đó về hỏi thì mọi người đồng ý và nhóm từ thiện đó bắt đầu tài trợ từ hạt giống, đất vi sinh đồng thời họ cũng làm cho các giàn bằng sắt để làm giá đặt các ô nhựa lên đất để trồng rau”. Ông Tuấn chia sẻ.
Do diện tích của xóm nhỏ, không có khoảng đất trống để đặt các ô đất, nên nhóm Sen Xanh đã lên ý tưởng làm các giàn để đặt các ô đất lên và trồng. Đặc tính của rau mầm là trồng ngắn ngày, bởi vậy đất và nước là hai yếu tố rất quan trọng. Đất dùng để trồng rau là đất vi sinh. Nước được người dân xóm dùng bằng chính nước máy để tưới. Sau bảy ngày, rau cho thu hoạch một lần. Mỗi lần thu lại được 20kg, bán với giá 40.000 đồng/kg.
Ông Tuấn cho biết: “Chị Mai nhóm trưởng là người đưa ra ý tưởng trồng rau mầm, nên sau khi thu hoạch chị lại thu mua và đưa đi bán giúp với mức giá phải chăng. Tiền bán rau đã phần nào giúp đỡ những bệnh nhân chạy thận nhân tạo”.
Bế tắc đầu ra
Niềm hy vọng của xóm thận chính là những giàn rau mầm, để những người dân xóm thận ngoài chữa bệnh, họ “được” làm việc phù hợp với sức khỏe của mình, tìm kiếm niềm vui từ lao động. Thế nhưng, công việc đó chẳng thể kéo dài được bao lâu. Ông Tuấn chia sẻ: “Trước chị Mai chưa đi công tác nước ngoài thì có người mua cho, sau đó chị ấy đi thì các thành viên trong nhóm chỉ mua được một nửa, một nửa còn lại thì người xóm thận phải tự đi bán. Nhưng một buổi đi chạy thận, một buổi về chăm sóc rau, trong nhóm trồng rau có 6 người thay phiên nhau làm. Bệnh nhân chạy thận ở đây chủ yếu từ quê lên chữa bệnh, không quen đường sá, chợ búa nên nói đến việc đi bán rất khó”.
Theo bà Nguyễn Thị Bình người dân sống ở gần đây chia sẻ: “Từ ngày có ý tưởng trồng rau, họ có niềm vui từ đó, cây rau cũng giúp họ kiếm thêm được vài ba chục phụ vào tiền sinh hoạt. Rau ở đây sạch do được trồng từ đất vi sinh, tưới bằng nước máy nên rất an toàn”.
Do thị trường tiêu thụ không có, nên nếu tiếp tục trồng người dân xón thận phải tự mình bán lẻ. Trong khi đó tiền mua giống, đất vi sinh đã là một khoản rất lớn, chưa tính đến nước dùng để tưới rau là nước máy cũng mất tiền. “Thực sự cả xóm cũng rất muốn được trồng rau để tìm kiếm thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn hằng ngày. Rau trồng sạch nhưng ra thị trường lại không cạnh tranh được, đồng thời không có địa điểm bán. Mà một ngày đi chạy thận mất một buổi rồi nên thời gian đi bán hàng rất eo hẹp. Chúng tôi mong một cơ sở nào đó đứng ra thu gom để phân phối, vì thực tế rau chúng tôi trồng rất sạch” - chị Hương chia sẻ.
Theo Laodong.com.vn