Vươn khơi đổi đời
Ông Phạm Minh, trưởng thôn Đông Hải (xã Lộc Trì, Phú Lộc) dẫn tôi đến thăm những “tỉ phú” họ Trần với những ngôi nhà tiền tỉ. Ông Minh kể, chừng mười lăm năm trước, Đông Hải nghèo xác xơ nhưng bây giờ cuộc sống đã khác. Nhìn ngư dân Trần Vẹm, người gần nữa đời ăn cơm độn sắn, nay đã cất được nhà to, sở hữu đội tàu tiền tỉ, ít ai ngờ rằng ông từng bị mẹ vợ từ chối gả con gái chỉ vì cái nghiệp “hồn treo cột buồm”. Ông kể: “Nghiệp biển không tài nào dứt được. Ngày đi hỏi vợ, nghe tui ở Đông Hải, gia đình nhà gái kiên quyết không cho cưới vì sợ đói, chết giữa biển khơi. Nghe rứa tui hứa đại cưới xong bỏ nghề. Cưới được vợ, tui thất hứa, là bởi mình sống được là nhờ con tôm, con cá, chừ không ra biển lấy chi để nuôi con?”.
Thời gian đầu cuộc sống khốn khó, ông lân lê vào Đà Nẵng, Bình Định “đi bạn” cho các chủ tàu xa bờ vừa kiếm sống vừa học kinh nghiệm. Những năm 90 thế kỷ trước, Thừa Thiên – Huế có nhiều chính sách khuyến khích ngư dân bám biển phát triển kinh tế. Ông Vẹm như vớ được chiếc phao cứu sinh, liền đứng đơn vay tiền đóng tàu cá đi khơi hành nghề đánh lưới vây, kết hợp với hậu cần nghề cá. Cuộc sống khấm khá, ông trả được nợ, xây nhà to, đóng thêm tàu to. Dần dà ông Vẹm lui về hậu trường làm “quân sư” cho các con. Toàn bộ tài sản là 4 chiếc tàu từ 400 đến 800CV, trị giá trên chục tỉ đồng ông giao cho năm con trai và hai con rể tiếp tục sự nghiệp bám biển. Không phụ sự kỳ vọng, đội tàu con ông Vẹm năm nào cũng lãi lớn. Mỗi vụ cá, trừ mọi chi phí thu tiền tỉ.
Ở Đông Hải bây giờ, những cái tên Trần Vinh, Trần Phước, Trần Hòa, Trần Lượng… đều là chủ nhân của những ngôi nhà lầu, tàu cá bạc tỉ. Ngư dân Trần Hòa cho biết nhà mình “theo đuôi con cá” ngót đã ba đời. Ngày trước chỉ đóng được thuyền nhỏ đi gần bờ, thu nhập không đủ sống. “U chầu! Chừ nghĩ lại tui biết ơn cái “ông Ngân” ở trên thị trấn”. “Ông Ngân” là “ông” ngân hàng! Ông kể “năm 2008, tui cầm cục tiền vay trăm rưỡi triệu đi đóng tàu mà sướng không tả nổi”, ông Hòa tâm sự và khoe ngoài chiếc tàu 420CV trị giá trên 2 tỉ đồng, ông chuẩn bị đầu tư chiếc tàu cá 800CV cho hai đứa con trai nối nghiệp, vươn khơi.
Cùng nhau no đủ
Thôn Đông Hải hiện có 35 tàu cá đánh bắt xa bờ công suất từ 400 đến 900CV. Năm nay, sẽ có thêm 4 chiếc tàu công suất 1.000CV vào hoạt động, đội tàu của Đông Hải sẽ rất mạnh. Đặc biệt, đội tàu này đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 lao động trong thôn và nhiều địa phương khác. “Như tàu tui cần 10 người, vụ cá 6 tháng, mỗi người bét lắm được hơn 40 triệu”, ngư dân Trần Hòa tiết lộ.
Khác với cách làm của tàu cá các tỉnh, ngư dân Đông Hải giàu lên là nhờ các chủ tàu vừa bám biển dài ngày, vừa phát triển hậu cần nghề cá liên hoàn. Cứ ngày 18 âm lịch đến ngày 10 âm lịch tháng sau, mỗi tàu ra vào đất liền hơn chục chuyến chở xăng dầu, ga, thức ăn, nước đá cung ứng cho các tàu cá đánh bắt trên biển và thu mua cá vào các bến tiêu thụ. “Khách hàng chủ yếu là ngư dân Quảng Bình, Bình Định, mỗi chuyến tàu tui thu mua hơn ba chục tấn cá, chuyển vào Đà Nẵng, Quảng Bình bán. Rồi anh em cần chi là tui ngay lập tức chuyển ra, nhờ rứa mà những chuyến đi biển được dài ngày hơn, cá từ biển vào đất liền tươi ngon hơn”, ngư dân Trần Phước kể. Các chủ tàu Đông Hải chia ra thành 2 đội sản xuất luân phiên trong bờ, ngoài biển. “Trên biển hàng ngàn chuyện xảy ra, anh em mạnh ai nấy làm mỗi chuyến bám biển không hoàn đủ vốn. Bởi vậy mà phải thực hiện phương án liên hoàn mới có thành công như hôm ni”, ông Phước phân tích.
“Bám biển làm giàu, giúp nhau thoát nghèo, có mặt trong hoạn nạn là hạnh phúc. Nhưng ngư dân Đông Hải vẫn luôn ý thức trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương phải được đặt lên trên hết”, ngư dân Trần Hòa khẳng định.
Bài viết được đăng trên chuyên trang tamlongvang.laodong.com.vn bởi (LĐ) - Số BMT Xuân 2016 ĐĂNG KHOA