Thông báo hoàn cảnh liên hệ Hỏi đáp Những tấm lòng vàng Câu chuyện nhân ái Từ thiện bốn phương Giới thiệu

Bản đồ từ thiện

Chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

>> LD23040: Bé trai 5 tuổi 33 lần vào hóa chất chống chọi với khối u ác của bể thận

Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ và khánh thành giai đoạn I công trình Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma: Ngày đoàn tụ không quên

Toàn cảnh công trình Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Văn Thắng

Ngày 14 và 15.7.2017, hòa trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), công trình Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa) do Tổng LĐLĐ VN kêu gọi quyên góp kinh phí đầu tư xây dựng chính thức khánh thành giai đoạn I. Hằn trong ký ức của những người cha, người mẹ, người con... hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về tụ họp. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa. Và nay, họ được đoàn tụ với thân nhân mình.

  •  
Về với “ngôi nhà chung” của các anh
Mọi công việc tạm gác lại, mọi lo toan thường nhật tạm ngưng, thân nhân của những chiến sĩ anh hùng năm xưa (14.3.1988) vội vã lên xe, dắt díu về “ngôi nhà chung” - Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đoàn tụ cùng thân nhân. Vào Khánh Hòa từ sớm, chị Trần Thị Thu Hà (quê Hà Nam, con gái liệt sĩ Trần Đức Thông) đến Lữ đoàn 146 (TP Cam Ranh), nơi đơn vị cha mình từng công tác thắp hương cho cha, cho đồng đội của cha, chờ dự lễ khánh thành.
Trò chuyện với chúng tôi, chị gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐVN và các đơn vị liên quan đã quan tâm dựng lên một tượng đài trong lòng dân tộc trang nghiêm, đẹp ngời như thế. “Bản thân là con của liệt sĩ, tôi thật sự xúc động, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn. Kỷ niệm tôi và người bố anh hùng thì nhiều, nhắc đến là rơi nước mắt. Bố là người lính cụ Hồ, ông sống rất giản dị, chân thành với đồng chí, đồng đội” - chị Hà chia sẻ.
Một trong số các gia đình chiến sĩ Gạc Ma tặng kỷ vật cho phòng trưng bày công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là chị Đỗ Thị Hà (vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh). 30 năm qua, cứ cầm tấm ảnh cưới cũ sờn là chị Hà khóc nức nở. Dù phân vân, luyến tiếc, nhưng chị đã quyết định chia sẻ một trong số các bức ảnh này cho khu tưởng niệm. Khi công trình đang giai đoạn hình thành, chị đã đến ngắm nghía, thắp hương, rồi đứng khóc òa như một đứa trẻ vì nhớ chồng.
Chị Hà xúc động bảo rằng, bây giờ (ngày 13.5) tâm sự về chồng thì chị còn nói thành tiếng được, chứ ra đấy (khu tưởng niệm) “tôi xúc động lắm, chị rung lắm, chị nói không thành tiếng nữa đâu”. Vì vậy, chị bảo “em hãy tranh thủ nói chuyện, trao đổi”. “Tôi cảm ơn Tổng LĐLĐVN, các cấp, các ngành, công nhân, viên chức lao động cả nước đã chung tay xây dựng khu tưởng niệm hết sức ý nghĩa này. Từ đây, thân nhân của các liệt sĩ có nơi để thắp nén hương cho chồng, cho cha, cho anh... Coi như, chúng tôi được an ủi được phần nào. Nơi đây còn là địa chỉ ghi dấu lịch sử anh hùng, nơi tưởng nhớ các anh đã hy sinh vì độc lập tự do, mãi lưu truyền đến đời con, đời cháu mai sau nữa” - chị Hà chia sẻ.
Điều đặc biệt là trong số rất nhiều tấm ảnh cưới giờ chỉ còn lưu lại những tấm còn bút tích của anh Doanh. Dòng chữ “lạy cha”, “sánh đôi”, “chúc mừng”, “lưu niệm” nét nào cũng thanh thoát. “Chữ anh đẹp lắm, hồi trước còn một cuốn nhật ký anh viết từ trong đơn vị những ngày 2 đứa quen nhau. Trước khi lên tàu ra Trường Sa, anh mang hết những vật kỷ niệm ở đơn vị cho vào rương đưa về nhà. Ai ngờ anh đi mãi. Một năm sau ngày được tin anh mất, tên trộm vô lương nào đó vào nhà, lúc ấy nhà tranh tềnh toàng lắm thấy cái rương tưởng mình có đồ quý cất trong nên trộm đi mất. Sau chị đi tìm xem trộm có vứt lại cuốn nhật ký của anh không nhưng không tìm được” - chị Hà rơm rớm nước mắt. Trong tâm khảm chị, ngày giỗ chồng là ngày chị cảm thấy tủi thân, cô đơn nhất.
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ và khánh thành giai đoạn I công trình Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma: Ngày đoàn tụ không quên ảnh 1
Toàn cảnh công trình Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Văn Thắng

Nỗi đau ấy, niềm thương ấy, không thể xóa nhòa

Hòa chung cảm xúc khó tả ấy, điêu khắc gia Lâm Quang Nới (đại diện đơn vị thi công Cty TNHH Mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ, TPHCM), người cùng vợ - họa sĩ Lý Thị Liễu xây dựng ý tưởng “Những người nằm lại phía chân trời” cho tượng đài - tâm tư: “Tôi rất tâm huyết với công trình chính trị, tâm linh này. Đến với đài tưởng niệm Gạc Ma, tôi xác định từ đầu là dù lỗ tôi cũng làm. Chính vì vậy, nguyên vật liệu sử dụng đều được kiểm tra chặt chẽ, nghiêm ngặt, đảm bảo bền vững và lâu dài. Khó khăn nhất với tôi bây giờ là đục tượng nhưng tôi đã cố gắng vượt qua”.
Câu nói “lỗ cũng làm” khiến người nghe phần nào cảm phục tấm lòng của ông dành cho công trình: “Tôi làm nhiều tượng đài trên cả nước, mỗi tượng đài đều có ấn tượng riêng. Đối với tượng đài Gạc Ma thì ấn tượng trong tôi hết sức sâu sắc, nhất là hình ảnh người lính, ngọn cờ thời khắc kiên quyết giữ đảo”.
Với ông, lễ khánh thành hôm nay là mong đợi từng ngày từng giờ. Ông tự trách móc mình rằng lẽ ra là hạng mục ông phụ trách hoàn thành sớm hơn, nhưng dẫu sao “được thế này đã là mừng vì tôi đã tập trung nỗ lực hết sức mình”. Và với ông, “năm nay, tròn 70 năm kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, suốt tháng 7 này, khắp nơi trên cả nước tổ chức lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ, thì sự kiện khánh thành Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là điểm nhấn. Tôi rất xúc động, tự hào, vì mình đóng góp vào “ngôi nhà chung của các anh” trong thời gian rất dài”.
Còn nhớ, ngày 14.3 năm nay, Lữ đoàn 162 đã thân tặng cho khu tưởng niệm cây bàng vuông mang từ Trường Sa về với mong muốn tạo không gian “sống” cho công trình. Và hôm nay, cây bàng vuông ấy không còn lẻ loi, khi mà LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận thêm 20 cây bàng vuông do Quân chủng Hải quân trao tặng. Thật xúc động và ý nghĩa dường nào, khi mà 20 cây bàng vuông trên được Quân chủng Hải quân giao cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân thực hiện ươm, chiết, chăm sóc ở các đảo: An Bang, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh và đảo Trường Sa rồi đưa về đất liền. “Không gian sống” là đây, cũng là nguyện ước của các chiến sĩ Gạc Ma, của thân nhân họ.
Với Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân), cán bộ, thủy thủ trên các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 (thuộc Lữ đoàn 125 - PV), cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân... là những tấm gương sáng ngời. Dẫu biết có thể sẽ hy sinh, trước sự đe dọa cũng như những hành động dã man của tàu chiến Trung Quốc, song, với ý chí kiên cường bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Với ý chí, lòng tự tôn dân tộc cao cả, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.
Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song phía sau để lại là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí, để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa.
Cùng với niềm vui đón các anh về “ngôi nhà mới”, “ngôi nhà chung”, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đang được xúc tiến trở thành địa chỉ du lịch mới để đón khách đến thăm viếng, tri ân những người anh hùng bảo vệ đảo Gạc Ma. Với diện tích 2,5ha, vị trí của khu tưởng niệm nằm trên trục đường dẫn từ vịnh Cam Ranh và Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh về TP biển Nha Trang (Khánh Hòa). Đây là thuận lợi cho các đoàn du khách tham quan du lịch ghé thăm.
Theo Ban Quản lý lâm thời Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, thời gian qua, tuy chưa chính thức đón khách, nhưng vẫn có một số đoàn khách đến đây để tri ân và chụp hình lưu niệm. Để phát huy giá trị của khu tưởng niệm, thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng đề án cụ thể về các hoạt động ở đây, trong đó có vấn đề đón khách du lịch đến tham quan. Tới đây, nơi đây sẽ hình thành đội ngũ nhân viên đón tiếp, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh giới thiệu về điểm đến cũng như hoàn thiện các thông tin liên quan để cung cấp cho khách.
NHIỆT BĂNG