Lan tỏa niềm vui “kim cương”
Sau khi kết thúc Chương trình Tết Sum vầy - Xuân bình an” năm 2022 tại Nhà Văn hóa Lao động An Giang, dù trời đã sắp hết giờ làm việc buổi sáng và đầu giờ chiều lại có cuộc làm việc quan trọng, nhưng ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang vẫn quyết định dẫn đầu đoàn công tác vào xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn trao học bổng cho cháu Lê Quang Duy.
Thoạt đầu tôi thắc mắc, vì sao phải đi gấp gáp vậy? Nhưng khi được biết lý do muốn tiếp sức cho cháu Duy trước khi lên đường xuống Cần Thơ để thực hiện đợt vô hóa chất lần thứ 23 vào sáng hôm sau, thì tôi như òa vỡ.
Lê Quang Duy (sinh năm 2013) là con anh Lê Thiện Chí, công nhân Trại chăn nuôi của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX), em phát hiện mắc ung thư năm 2021.
Nhưng khi tận mắt chứng kiến hình ảnh tận cùng của khó khăn, mà những con chữ trong hồ sơ, giấy tờ trước đó không chuyển tải hết ý nghĩa, tôi mới thấu cảm hết ý nghĩa của chuyến đi thăm của lãnh đạo LĐLĐ tỉnh An Giang.
Đang là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Vĩnh Trạch (Vĩnh Trạch - Thoại Sơn), đột nhiên Duy thường xuyên đau bụng, và cơn đau ngày một tăng, có khi vật vã cháu đến nôn ói.
Thấy lạ, chị Nguyễn Thị Kim Thùy, công nhân Trại chăn nuôi AFIEX xin nghỉ phép đưa con đi khám, thì được chẩn đoán cháu mắc ung thư thận ở giai đoạn nặng nên tư vấn đưa lên tuyến trên can thiệp.
Xin nghỉ việc để nuôi con bệnh hiểm nghèo, nhưng lòng chị Thùy như đứt từng đoạn khi không thể đưa con lên TPHCM điều trị vì đang cao điểm thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. Cuối cùng chị đưa cháu xuống Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.
Sau khi xác định khối u đã to 7cm, bác sĩ đề nghị can thiệp gấp, nhưng chị xin khất lại để về nhà chạy tiền. Rồi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng... Đến khi trở lại thì khối u đã to lên gấp đôi. Duy được truyền hóa chất và sau mỗi lần như thế, người mẹ phải thật nhiều lần nuốt nước mắt vào lòng khi nhìn thấy con trai vật vã với những biến chứng không thể lường trước.
Điển hình là lần thứ 21, định đưa con xuống Cần Thơ truyền hóa chất xong rồi chiều về như mọi khi, nhưng lại ra đến 11 ngày. Bởi sau khi truyền hóa chất, sức khỏe Duy chuyển biến phức tạp, bác sĩ giữ lại để theo dõi.
Niềm vui “kim cương”
Có lẽ quá bất ngờ và xúc động và cũng có lẽ những khó khăn đè nặng lâu ngày nên suốt cuộc viếng thăm của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang, anh Chí gần như không nói được nhiều. Thế nhưng, sau khi ra về, liên lạc qua điện thoại, anh gần như lột xác hẳn so với trước đó với nguồn năng lượng tích cực, tinh tươi... “Việc lãnh đạo tổ chức Công đoàn tỉnh đến tận nhà thăm hỏi và tặng quà cho cả cha lẫn con đúng thời điểm khó khăn nhất đã mang lại cho gia đình nhiều cảm xúc tích cực mà có lẽ nhiều tháng nay gia đình không có được” - anh Chí chia sẻ.
Và chúng tôi hiểu, điều này không phải có được từ giá trị những phần quà, hay những lời chúc tốt đẹp... mà chính từ cách hành xử nhân văn, nhân ái của người làm công tác Công đoàn...
Theo anh Chí, thời gian trước, cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn vì sinh hoạt của 4 nhân khẩu chỉ trông cậy vào nguồn thu nhập 9 triệu đồng/tháng từ đồng lương nhân viên trại chăn nuôi lợn của vợ chồng. Tuy nhiên, từ ngày phát hiện con mắc bệnh hiểm nghèo, chị Thùy phải nghỉ việc chăm con, nguồn sống của gia đình bị giảm một nửa.
“Khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng cho tất cả nhu cầu từ cái ăn, cái mặc của gia đình 4 người đã là chật vật. Vậy mà giờ đây còn thêm tiền thuốc, tiền đi lại trị bệnh cho con” - giọng anh Chí trở nên nghèn nghẹn.
Có thể, đây là câu chuyện nhỏ, nhưng từ những hiệu ứng tích cực mang lại, tin chắc rằng cách làm này sẽ góp phần gợi mở cho đáp án chăm lo đoàn viên, NLĐ trong tình hình mới: Không cần nhiều tiền, nhưng nếu biết tính toán và trách nhiệm, vẫn có thể mang lại cho đoàn viên, NLĐ nhiều giá trị thiết thực và hiệu quả.