Hiện Chính phủ và các địa phương đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ trước mắt và lâu dài. Tất cả đều vì mục tiêu chung “vì ngư dân”.

Thế nhưng, trong giai đoạn khó khăn này, thật đau lòng khi báo chí phanh phui ra những trường hợp “ăn chặn” tiền hỗ trợ cho ngư dân. Nghe mà xót quá!

Một điều chắc chắn rằng, Quảng Bình là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Khi sự việc xảy ra, trong khi chờ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã kịp thời trích ngân sách để hỗ trợ ngư dân, các hội đoàn thể trong tỉnh kêu gọi, vận động hỗ trợ vì ngư dân. Dẫu biết rằng từng đó tiền không thể bù đắp nổi những thiệt hại và khó khăn mà ngư dân đang gánh chịu, nhưng qua đó thể hiện được sự quan tâm kịp thời, thiết thực của các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương. Vậy mà, khi tiền chuẩn bị đến tay ngư dân thì lại bị “ăn chặn” không thương tiếc.

Dư luận địa phương đang bức xúc trước sự việc vừa bị phanh phui. Theo chủ trương hỗ trợ cho ngư dân và người nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết của UBMTTQVN tỉnh Quảng Bình, UBMTTQVN thị xã Ba Đồn hỗ trợ cho 73 hộ dân thôn Cồn Nâm (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn) số tiền 300 ngàn đồng/hộ. Tuy nhiên khi tiền về thôn thì đã bị cán bộ ở đây “bớt xén” lại bằng cách chia đều số tiền ra cho tất cả 105 hộ, kể cả những người không hành nghề trên biển và nuôi trồng thủy sản; đồng thời thu lại mỗi hộ 50 ngàn đồng với lý do là để góp tiền làm sân nhà văn hóa thôn, vì nhà văn hóa thôn… chưa có sân.

Còn tại huyện Lệ Thủy, từ phản ánh của người dân, UBND huyện Lệ Thủy đã phát hiện cán bộ thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc đã tự ý lấy 3,5 tạ gạo hỗ trợ cho ngư dân đem bán lấy tiền.

Trả lời báo chí, lãnh đạo thôn thừa nhận có việc trên và tất nhiên sau đó là đưa ra những lời giải thích; các đồng chí lãnh đạo khác ở cấp trên có liên quan khi nghe thông tin đã rối rít tiến hành kiểm tra và sau đó chỉ đạo thu hồi lại số tiền trên để phát lại cho đúng đối tượng. Tóm lại, đây là một việc làm sai của lãnh đạo địa phương trong một bối cảnh rất đặc biệt và gây nên sự bức xúc cho bất kỳ ai khi biết được thông tin. Còn các lãnh đạo khác có liên quan thì thiếu sự kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thực tế, cứ để mặc cho lãnh đạo thôn quyết định - một cách làm việc quan liêu đã tồn tại từ bao lâu nay.

Sự việc trên được phát hiện xảy ra tại hai thôn, nhưng là mầm mống cho những nguy cơ và sai phạm sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương khác. Trong giai đoạn này, ngoài những thiệt hại về kinh tế và đời sống, ngư dân cần lòng tin để tiếp tục ra khơi bám biển sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn và bảo về chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Khi niềm tin bị lung lay, thì những nỗ lực của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ ngư dân sẽ không được trọn vẹn.

Chính vì vậy, dù bất cứ lý do gì, việc làm trên là không thể chấp nhận được. Phải có hình thức xử lý thật nghiêm, từ những người có sai phạm trực tiếp đến những người có sai phạm gián tiếp vì thiếu kiểm tra, giám sát rồi công khai cho tất thảy người dân biết chứ không thể “rút kinh nghiệm” qua loa đại khái để mọi việc rơi vào quên lãng. Bởi lẽ, việc hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại do hiện tượng cá chết vừa qua đang tiếp tục được triển khai, nếu không xem đây là những bài học xương máu thì mọi việc chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, và rồi niềm tin lại tiếp tục bị lung lay, ngư dân lại thêm một nỗi đau nữa.

Còn nhớ, vào đầu năm 2016 Tỉnh ủy Quảng Bình đã tiến hành quán triệt và ký cam kết về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nói về quy định trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã từng nhấn mạnh, “đây là yếu tố quan trọng nhất để tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà”.

Xét trên bình diện tổng thể của Quảng Bình từ khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường cho đến nay, việc xử lý cán bộ sai phạm liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho ngư dân là vấn đề rất quan trọng. “Cam kết và xử lý trách nhiệm” không những là động lực cho sự phát triển, mà quan trọng hơn là tạo được niềm tin cho người dân, cho ngư dân, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này. Có niềm tin là có tất cả. Hy vọng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình sẽ xử lý cán bộ sai phạm dựa trên niềm tin to lớn đó. 

Bài viết được đăng trên chuyên trang tamlongvang.loadong.com.vn bởi (LĐO) LÊ PHI LONG