Hãy sẵn lòng cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.
Luật nhân quả có thể thấy ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, nếu hiểu được điều này, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều. Mười năm sau khi cha qua đời, sau nhiều lần chúng tôi thuyết phục mẹ, bà mới đồng ý dọn lên thành phố ở với con cái. Khi ấy tôi 40 tuổi còn mẹ đã 70. Nhà có 4 anh chị em, và tôi là con út. Tôi còn nhớ ngày mẹ dọn đến, bà mang theo hai túi bột mì. Hóa ra bà giấu trong đó 2.000 NDT với ý định mua xe hơi cho cháu ngoại là con trai chúng tôi. Tôi cũng không biết vì sao mẹ có thể dành dụm được số tiền lớn đến vậy. Sau khi mẹ dọn về ở với gia đình tôi, bà đảm nhận mọi việc trong nhà, gồm cả nội trợ. Tôi không còn phải đi chợ mua đồ và nấu nướng, tất cả đều do mẹ làm, và gia đình chúng tôi vô cùng thoải mái, đầm ấm. Những buổi tụ tập tại gia đầm ấm Hai tuần sau khi bà dọn về ở với gia đình tôi, mẹ muốn chồng tôi mời các bạn cùng lớp, đồng nghiệp và hàng xóm tới tụ tập ăn uống. Mọi người thường tới nhà hàng để gặp gỡ thay vì tới nhà do cuộc sống bận rộn khiến ai cũng ngại việc cơm nước. Chồng tôi nghe theo lời bà, và mẹ đã mất hai ngày để chuẩn bị thức ăn, trái cây cho một bữa tiệc có rất nhiều người tham dự. Ai nấy đều thích ăn món bà nấu, rất nhiều khách nói rằng lâu lắm rồi họ mới được ăn ngon đến thế, dù chỉ là những món đồng quê và đơn giản. Mẹ nghe vậy liền tiếp tục mời họ tới ăn lần nữa. Bữa tiệc thật đầm ấm và ai ai cũng vui vẻ. Chúng tôi tha hồ bàn luận về nhiều vấn đề mà thường khó nói khi ở nơi công cộng như nhà hàng. Căn nhà của chúng tôi trở thành một nơi nhộn nhịp hơn hẳn. Mẹ trở nên vui hơn và bà nói rằng: “Cuộc sống là phải như vậy con ạ, con người cần có sự kết nối với nhau”. Thêm thân thiết với hàng xóm Một ngày nọ tôi nghe tiếng gõ cửa nên ra mở. Tôi hơi bất ngờ khi nhìn thấy hàng xóm ở bên kia phố đang cầm trên tay giỏ trái cây tươi ngon. Chúng tôi lâu lắm rồi không qua lại vì quá bận rộn. Người hàng xóm vui vẻ nói: “Tôi mua một ít trái cây cho bà và mong là bà sẽ thích nó”. Tôi cảm thấy rất kỳ lạ, vì sao hàng xóm này lại mang quà tặng mẹ mình? Người hàng xóm mỉm cười: “Lũ trẻ nhà chúng tôi rất thích ăn những món mà bà làm cho”. Và cứ thế, qua những việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của mẹ, bà dần dần giúp chúng tôi thêm gần gũi với hàng xóm hơn. Lũ trẻ hàng xóm thường tới vui chơi với con tôi, thật vui và đầm ấm. Chúng cũng coi mẹ tôi như bà ruột của mình. Mẹ tôi không chỉ quan tâm tới hàng xóm xung quanh, mà còn cả những người quen của chúng tôi. Bà kết giao với cha mẹ của bạn chồng tôi, trông con hộ cho họ. Chồng tôi thăng tiến nhờ mẹ Khi mẹ biết con trai một đồng nghiệp của chồng tôi bị bạo bệnh, bà khuyên chúng tôi nên giúp cho họ một khoản tiền. Chồng tôi không thân với đồng nghiệp này lắm, nhưng bà thuyết phục chúng tôi rằng cần làm như vậy. Bà nói: “Khi những người khác gặp khó khăn, chúng ta nếu tương trợ được hãy giúp họ. Các con hãy học cách cho đi để nhận lại”. Sáu tháng sau khi bà chuyển tới, chồng tôi đã thăng tiến nhờ vào đề xuất của chính đồng nghiệp này, và rất nhiều người khác cũng ủng hộ anh ấy. Chồng tôi nói rằng, “bà ngoại đã giúp anh thăng tiến đó em ạ”. Chúng tôi phát hiện rằng nhờ có mẹ, mọi người xung quanh đối xử với chúng tôi thân tình hơn rất nhiều. Nếu muốn người khác tốt với mình, trước tiên con cần cho họ thấy con quan tâm tới họ. Mẹ tôi, một phụ nữ nông thông ít học, nhưng lại được rất nhiều người quý mến, điều mà chúng tôi trước đó chưa bao giờ mơ tưởng đến, bởi vì bà luôn sẵn lòng cho đi. Tôi nhớ bà thường nói câu này: “Nếu muốn người khác tốt với mình, trước tiên con cần cho họ thấy con quan tâm tới họ”. Đó là một lý lẽ vô cùng đơn giản, nhưng lại cực kỳ khó khăn đối với không ít người hiện giờ. Ngày mẹ từ giã cõi đời Mẹ sống với chúng tôi được ba năm thì bà bị ung thư phổi. Bác sĩ nói bà tuổi đã cao nên khó mà phẫu thuật thành công. Tốt nhất nên chăm sóc bà chu đáo hơn và để tùy theo số phận. Chồng và tôi bàn với nhau rồi đồng ý theo cách đó. Chúng tôi đưa bà về và kể rõ sự thật cho bà nghe. Mẹ bình tĩnh chấp nhận tin dữ và chậm rãi, “mình nên làm thế các con ạ”. Tuy nhiên bà lại muốn trở về làng quê nơi bà sinh ra và sống hạnh phúc với cha nhiều năm trước. Tôi đã luôn ở bên mẹ vào quãng đời còn lại của bà. Tôi thường xuyên chở mẹ ra ngoài cánh đồng vào lúc bình minh để bà hít thở không khí trong lành. Bà luôn mỉm cười nếu có thể, và tôi chỉ cho mẹ mình uống thuốc giảm đau. Một ngày nọ bà nói với tôi, cha đang mong bà tới. Tôi cầm bàn tay gầy guộc của mẹ, nói với mẹ rằng tôi không thể xa mẹ. Nhưng mẹ tôi mỉm cười và nói, “con hãy để mẹ yên nghỉ”. Khi mẹ rút tay ra khỏi tay tôi, trái tim tôi như vỡ vụn vì đau khổ. Đám tang của mẹ tôi Vào ngày mẹ tôi mất, rất nhiều người tới dự tang lễ của bà, từ người trong làng cho tới bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp của chúng tôi. Đoàn người đông đúc từ từ tới viếng bà khiến cho những người xa lạ tưởng rằng đây là đám tang của một quan chức cấp cao nào đó. Nhưng thực ra mẹ tôi chỉ là một phụ nữ thôn quê ít học, với một trái tim đầy ắp tình yêu thương và tấm lòng lương thiện.
Link nguồn : http://www.songdep.com.vn