Chiều 5.7, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, khoảng 260.000 lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp. Bộ LĐTBXH đang phối hợp cùng các bộ liên quan để nhanh chóng tìm giải pháp hỗ trợ sinh kế cho nhóm lao động này.
Ưu tiên xuất khẩu lao động
Sự cố môi trường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nguồn lợi hải sản của 104 xã thuộc 21 huyện ven biển. Trong đó, Hà Tĩnh có khoảng 42.000 lao động bị tác động trực tiếp, 40.000 lao động tác động gián tiếp; Quảng Bình có khoảng 15.000 lao động ảnh hưởng trực tiếp, 60.000 lao động gián tiếp; Quảng Trị có khoảng 7.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 31.000 lao động ảnh hưởng gián tiếp; Thừa Thiên - Huế có khoảng 31.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và 37.000 lao động gián tiếp.
Ông Diệp cho biết, Bộ LĐTBXH vào cuộc sớm và xác định những chính sách nào có thể triển khai ngay thì sẽ tiến hành sớm để hỗ trợ người dân. Song song đó, đề án hỗ trợ tổng quát cần sự vào cuộc của một số bộ, ngành khác phối hợp. Cụ thể, bộ sẽ triển khai ngay nhóm giải pháp xuất khẩu lao động với 4 chương trình do bộ và các doanh nghiệp đang thực hiện. Các chương trình với chi phí thấp sẽ được ưu tiên hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng. “Chúng tôi sẽ triển khai trước hết là Chương trình EPS (vừa được ký lại đầu tháng 5.2016). Các chỉ tiêu sẽ được ưu tiên cho các huyện ven biển của 4 tỉnh bị thiệt hại, kể cả các huyện trong diện hạn chế tuyển lao động do số người bỏ trốn nhiều cũng được ưu tiên”, ông Diệp cho hay.
Bên cạnh đó, lao động vùng bị ảnh hưởng có thể tham gia chương trình IM Japan đang được xúc tiến. Nếu lao động có đủ sức khỏe và đáp ứng ngoại ngữ sẽ được phía Nhật Bản tạo điều kiện học miễn phí. Lương khởi điểm từ 800 - 1.000USD/tháng. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH đang triển khai 2 chương trình điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức. Người lao động là con em của ngư dân của khu vực này nếu đủ điều kiện sẽ được bộ tạo điều kiện tham gia ngay.
Ngoài ra, chú trọng các doanh nghiệp có chương trình xuất khẩu lao động làm việc trong các tàu cá gần bờ. “Năm 2016 Hàn Quốc có 600 chỉ tiêu phân cho 800 doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp này tập trung ưu tiên, hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung”, ông Diệp nhấn mạnh.
Muốn người dân sống được nhờ bám biển
Xuất khẩu lao động dù là biện pháp có thể tiến hành ngay cả khi chưa có sự phân bổ hỗ trợ tài chính của Chính phủ, nhưng ông Diệp cho hay, mong muốn lớn nhất vẫn là người dân sống được nhờ bám biển. Trên thực tế, phương án hỗ trợ xuất khẩu lao động không thể đáp ứng nhu cầu việc làm, sinh kế cho hàng trăm nghìn lao động. Đơn cử, Chương trình EPS có 3.500 chỉ tiêu thì có tới 2.500 chỉ tiêu dành cho các lao động thuộc diện “ưu tú” - những người đã từng đi Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn, tác phong, kỹ năng làm việc tốt.
Ngoài ra, ban quản lý lao động Việt Nam tại một số nước nỗ lực xúc tiến xuất khẩu lao động cho chương trình nuôi trồng thủy hải sản với thu nhập khá ổn định nhằm hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng tại 4 tỉnh miền Trung đi làm việc ở nước ngoài, nhưng để đảm bảo làm việc tại nước bạn, lao động của ta cũng cần thời gian học ngoại ngữ, huấn luyện kỹ năng tối thiểu…
Bộ LĐTBXH đang xây dựng giải pháp tổng thể trình Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, trong đó chú trọng dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động. “Mong muốn của chúng tôi là không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, bởi những người dân ở vùng biển phải sống được nguồn lợi từ biển, sinh kế từ biển. Có thể trong thời gian trước mắt, trong một vài năm làm công việc tương tự tại vùng biển khác sau đó sẽ quay trở lại”, ông Diệp nói.
Ngoài ra, đối với số lao động hiện nay đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ, việc đào tạo, cho vay vốn cụ thể như thế nào sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ. Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ người lao động tại những địa phương trên...
Thỏa thuận hợp tác lao động Việt Nam - Thái Lan về tiếp nhận lao động đánh cá gần bờ và xây dựng có hiệu lực từ 1.7.2016. Bộ LĐTBXH sẽ tạo điều kiện tối đa cho người dân các tỉnh này nếu họ muốn lao động tại Thái Lan. Ưu điểm của thị trường Thái Lan là chi phí thấp, khoảng cách gần, không có phí môi giới...
Bài viết đăng trên chuyên trang tamlongvang.laodong.com.vn bởi (LĐ) - Số 155 LÊ PHƯƠNG