Ngư dân Trần Văn Mười cho biết, tàu vỏ thép dài 30,8m, rộng 7,5 m, cao 4m, công suất 822 CV. Đây là con tàu nặng nhất trong số các con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 tại miền Trung. Đặc biệt, tàu có khoang cá có dung tích hơn 220 m3, mớn nước 2,7m, khoang chứa nước ngọt 27,4 m3 và hệ thống làm lạnh bằng công nghệ tiên tiến (cách nhiệt PU), đảm bảo bảo quản tốt hải sản sau khi đánh bắt.
Tàu thực hiện đánh bắt bằng lưới chụp, hai bên mạn có bố trí khung giàn đèn chiếu sáng cao quá nóc lầu lái để không ảnh hưởng đến tầm nhìn của tàu làm nhiệm vụ tập trung mực, thuận tiện cho việc thả lưới chụp mực. Ngoài ra, trên tàu còn được bố trí 1 bè cứu sinh và 2 phao tròn mỗi bên mạn tàu.
"Tàu có tốc độ hoạt động liên tục 10 hải lý/h. Dầu trữ nhiên liệu dự trữ đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục trong 30 ngày. Ngoài ra, lương thực, thực phẩm, nước ngọt dự trữ trên tàu đảm bảo cho kíp thủy thủ đoàn sử dụng trong vòng một tháng. Tàu có thể cho phép 20 ngư dân tham gia hoạt động đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa" - ngư dân Mười cho hay.
Ngư dân Trần Văn Mười là 1 trong những ngư dân tiên phong đăng ký đóng tàu vỏ thép tại Đà Nẵng. Theo ngư dân Mười, đóng con tàu này, anh đã bỏ ra 1 tỷ đồng, còn lại ngân hàng BIDV cho vay17,3 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó GĐ Sở NNPTNT Đà Nẵng - cho biết: "Chúng tôi hy vọng ngư dân Mười sử dụng thành thạo được con tàu đặc thù này, vừa bám biển phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo".
Bài viết được đăng trên chuyên trang tamlongvang.laodong.com.vn bởi (LĐO) NHIỆT BĂNG