Tết ấm vùng biên
Một ngày giữa tháng chạp, khi nhà nhà tất bật cho tất niên, cho tết thì lại có những con người chăm chú kiểm tra từng món hàng từ 5 giờ sáng. Một chiếc xe tải được chất đầy gạo, chăn mền, cá khô, nước mắm, dầu ăn…. Một chiếc xe khác chở theo túi bánh mì, ít chả giò, nước suối. “Đường vào các thôn ở vùng biên cách xa nơi ăn nghỉ nên đoàn ăn trưa tạm bằng bánh mì dọc đường nhé. Mấy hôm nay các anh ở Nam Giang đã nhắn cho người dân về chuyến đi này. Chắc bà con cũng đang mong lắm!” – anh Tuấn, một thành viên trong đoàn thông báo với mọi người.
Đó là chuyến đi “Quà Xuân lên biên giới” cho 100 hộ dân ở xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, Quảng Nam do Quỹ Tấm lòng Vàng (TLV) Lao Động cùng các Mạnh Thường Quân tổ chức khi Tết Mậu Tuất đã đến cận kề. Dù chỉ cách trung tâm huyện Nam Giang 70 cây số, nhưng với bà con Đắc Pring, Tết ấm, Tết đủ đầy vẫn là điều xa vời. “Toàn xã có 1/3 là hộ nghèo, cận nghèo. Bà con quanh năm làm rẫy, làm lúa chỉ mong đủ ăn chứ không có dư để bán nên Tết không phải nhà nào cũng có có thịt, có bánh” – anh Blong Chuồn – cán bộ xã cho biết.
Có lẽ chính vì vậy mà khi xe còn cách đoạn xa nhưng chúng tôi đã thấy bà con đứng chờ, vây kín cả khu đất. “Mọi người đợi ở đây được vài tiếng trước giờ hẹn rồi. Nhà tôi cách đây 2 cây nhưng đường lầy lội lắm nên đoàn chắc không vào được, tôi phải đi từ sớm vì sợ lỡ giờ” – bà Hồ Thị Quỳnh, người dân ở xã cười móm mém trong khi nhìn những thùng quà lần lượt được chuyển vào sân.
Đôi mắt của những người bà, người mẹ chờ đợi suốt vài giờ, giữa cái lạnh vùng biên bỗng lấp lánh niềm vui. Rồi chẳng để ai phải đợi thêm lâu, chẳng cần phát biểu hay giới thiệu, lần lượt 100 hộ dân được tặng gạo, chăn mền, thêm ít cá khô, thùng mì.
“Tết này vậy là ấm lắm. Có chăn, có cá, có gạo, lại có chút tiền. Tôi sẽ mua cái áo mới cho con gái. Tết mà” – chị Zơ Ram Nhon cười tươi hết cỡ dù phải khệ nệ ôm quà. Bên cạnh chị, cô con gái mới 4 tuổi cũng lăng xăng giúp mẹ bỏ từng món vào cùi.
Sẻ chia là “lên đường”
Nhìn bà con vui, các thành viên trong đoàn vừa lót dạ với chiếc bánh mì dọc đường vừa bàn về những chuyến đi tiếp theo.
Còn nhớ, đầu tháng 11.2017, thông tin về trận sạt lở núi tại Nam Trà My (Quảng Nam) làm 12 người chết và mất tích, 4 người bị thương, hơn 1.400 ngôi nhà bị ngập nước khiến cả nước đau xót. Chỉ 3 ngày sau đó, những chuyến quà đầu tiên của TLV báo Lao Động và Đội Thanh niên tình nguyện Vĩnh Trung - Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng đã lên đường. Vượt qua con đường lầy lội hơn 5 giờ đồng hồ, đoàn đã trao hơn 100 suất quà, gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.
“Chúng tôi gần như là những người đầu tiên mang hàng cứu trợ đến Bắc Trà My sau khi thông đường. Quà không nhiều so với nhu cầu và khó khăn thiếu thốn của người dân, nhưng nhiều bà con bật khóc. Họ kể về cảnh núi lở, núi nổ nghe ầm ầm như bom đạn” – anh Hoàng Minh, thành viên trong đoàn chia sẻ.
"Đến tận nơi để hiểu quý ở chỗ giữa lúc khốn khó nhưng những người xa lạ lại sẵn sàng ôm lấy họ, xoa dịu phần nào nỗi đau của họ. Mỗi suất quà chúng tôi gửi đến bà con cũng là tấm lòng của nhiều anh em bạn bè, có người chẳng quen biết nhưng chúng tôi nhận uỷ thác thì sẽ lên đường. Dù là vào vùng bão, vùng lũ hay biên giới là bởi vì vậy”- anh Huỳnh Việt Hoàng, Đội trưởng Đội CTXH Nhân Ái TP.Đà Nẵng chia sẻ.
Tất bật trong những ngày đón các đoàn hỗ trợ lên với Quảng Nam, ông Nguyễn văn Hường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nam Trà My xúc động: “Được sự quan tâm của xã hội, của cộng đồng và nhất qua việc mọi người bỏ công sức về tận nơi, chúng tôi thấy rất ấm lòng. Món quà có thể không quá lớn nhưng là tình người tiếp sức cho người dân trước những khó khăn là rất lớn”.
“Có áo cho con, có gạo cho cả nhà là mừng lắm” - lời cám ơn của những người nói tiếng Kinh chưa trọn câu nhưng ánh mắt, nụ cười của họ thì rạng ngời chẳng thể kể xiết. Và chỉ có đến tận nơi, qua những cái bắt tay, ánh nhìn, đau thương mới hiểu thấu và hạnh phúc cũng nhân lên gấp nhiều lần.