Lũ làm tan nát những gia đình
Tại tỉnh Kon Tum, mưa lũ làm 2 người thiệt mạng, trường hợp thứ nhất là em sinh viên Y Liên (19 tuổi, trú tại làng Tam Rin, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông). Em Y Liên là sinh viên khoa Nông lâm - Đại học Đà Lạt, chiều ngày 11.10, em về thăm nhà thì bị nước lũ cuốn trôi khi chỉ còn cách nhà chừng 5 cây số. Trường hợp thứ 2 là thượng úy Phạm Ngọc Hải (39 tuổi, Bộ đội Biên phòng Kon Tum). Trong khi từ chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trở về Đồn Biên phòng Sông Thanh, đóng tại xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei thì anh Hải bị nước lũ cuốn trôi, thi thể cách hiện trường 200 mét.
Mưa lũ làm con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em… những tiếng khóc xé lòng nơi biên viễn xa xôi, cách trở khiến ai cũng phải xót xa. Chúng tôi ngược lên phía đỉnh Ngọc Linh để tới thăm nhà Y Liên. Khi qua đoạn ngầm nơi em Y Liên bị nạn, chợt thấy nhói lòng trước cái chết của cô sinh viên xấu số mà cũng khâm phục sự cố gắng của người học trò hiếu học. Ở một nơi xa và nghèo khó như xã Ngọc Yêu, nằm trên dãy Ngọc Linh, cách TP.Kon Tum hơn 100 cây số. Vậy mà, suốt nhiều năm qua Y Liên vẫn đều đặn đến trường và giành nhiều thành tích học tập tốt.
Cha Y Liên, anh A Công (46 tuổi) là một giáo viên gắn bó với trường Tiểu học và THCS xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông. Anh Công kể, từ nhỏ Y Liên là đứa trẻ chăm học, sáng dạ. Vừa đi học trường Trung học Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh, Y Liên vừa làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, phụ cha mẹ. Khi qua Đà Lạt học, Y Liên ở chung trọ với bạn cùng lớp, chi tiêu tằn tiện để mua thêm sách vở, tài liệu nghiên cứu. Y Liên từng nói với gia đình, ước mơ sau này cô có kiến thức nhiều về ngành Nông lâm, sẽ trở lại quê hương nghiên cứu trồng, phát triển, bảo vệ loại sâm Ngọc Linh nổi tiếng.
“Ai ngờ, khi cháu về thăm nhà, dòng nước lũ oan nghiệt đã cướp đi tính mạng, làm dang dở giấc mơ của cháu. Còn chị gái là Y Lên cũng suýt mất mạng khi ra tới đập tràn để dẫn em về nhà”, anh A Công khóc nói. Theo anh A Công, dù gia đình có khó khăn cỡ gì thì cũng đầu tư cho con gái ăn học nên người. Lắm lúc hết tiền, gia đình phải chạy vạy đi mượn bà con, hàng xóm gửi cho con. Chị Y Sê (41 tuổi, mẹ Y Liên) bảo rằng, quanh năm chị quần quật trên nương rẫy, chăm bẫm hơn nửa hécta càphê, tiêu để có tiền nuôi con ăn học. Có khi chị phải đi hái măng trong rừng sâu, bán cả trâu bò để đầu tư cho Y Liên đi học. Vậy mà, dòng nước lũ dữ chảy ra từ rừng đã cướp đi tính mạng cô sinh viên…
Những ngày qua, nhiều người thân, bạn bè tới thắp nén hương thơm trên bàn thờ đồng chí Thượng úy Phạm Ngọc Hải. Chị Phan Thị Xuân (vợ anh Hải, trú thị trấn Đăk Tô) kể, những tháng có dịch COVID-19, anh Hải ít khi về nhà thăm vợ con. Lần gọi điện nào anh cũng bảo đang trực chiến ở Đồn biên phòng Sông Thanh, đóng tại xã Đăk Plô.
“Ngày trước anh Hải đi Bộ đội đóng quân bên tỉnh Đăk Nông, còn mình làm giáo viên ở huyện Kon Plong cách xa hàng trăm cây số. Cưới nhau xong mà những lần vợ chồng gặp mặt nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các nay hơn 1 năm, anh xin được chuyển công tác về đồn Biên phòng Sông Thanh, mình xin chuyển về dạy ở trường Tiểu học và THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Đăk Tô để gần gũi chăm con cái. Ai ngờ tai ương ấp tới…”, chị Xuân sụt sùi nói.
Anh Hải ra đi để lại 2 con thơ là cháu Phạm Ngọc Bích Thủy (học sinh lớp 2) và cháu Phạm Ngọc Gia Hân (2 tuổi). Cháu Hân còn quá nhỏ, trên đầu quấn khăn tang nhưng không hề biết là cha của cháu đã vĩnh viễn không trở về. Cháu Hân trong vòng tay mẹ còn hỏi “cha đi biên giới bao giờ về, khi về có mua bim bim cho không?”. Sự ngây thơ của đứa bé trước nỗi đau tột cùng của người lớn càng khiến tang thương thêm bao trùm căn nhà nhỏ, đơn sơ nép mình bên dốc đồi. Trong gia đình 6 người con, anh Hải là con út, sống chung với mẹ già nay đã ngoài 70 tuổi, thường xuyên ốm đau.
Mẹ trẻ mong tìm thấy xác con
Ngày 18.10, thượng tá Lưu Văn Đoàn - Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Bình Dương, Binh đoàn 15 - cho biết, sau gần 2 tuần tích cực tìm kiếm, lực lượng chức năng hơn 150 người vẫn chưa tìm ra thi thể cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long (SN 2013) bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Trước đó, vào đêm 6.10, anh Nguyễn Văn Trường (SN 1983) lội qua đập tràn suối Đội 7 (làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) để đón con trai là cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long. Khi qua giữa suối, 2 cha con bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Chị Hoàng Thị Thúy Vinh (SN 1989, vợ anh Trường) và con gái Nguyễn Quỳnh Như (học sinh lớp 6) đau đớn vì gia đình mất đi người thân yêu. Nhiều năm qua, anh Trường ra ngoài làm thuê, làm mướn đủ nghề để có tiền nuôi con cái ăn học. Vài năm gần đây, giá caosu xuống thấp, đời sống công nhân gặp khó khăn, chị Vinh phải nuôi thêm dê, trồng thêm rau, đậu đưa ra chợ bán kiếm thêm thu nhập. Đầu năm học mới của 2 con, anh Trường làm việc tận khuya mới về nhà để có tiền mua thêm cuốn tập, cây bút cho con nhỏ. Ai ngờ tai họa giáng đến quá bất ngờ.
Hiện tại, gia đình chị Vinh vẫn để chiếc quan tài chờ sẵn trước hiên nhà, mong ngóng tìm được thi thể con trai để đưa về lo hậu sự.
Trước sự mất mát của người dân trong cơn lũ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Quân đội đã tổ chức lo hậu sự, động viên, hỗ trợ gia đình nạn nhân sớm vượt qua hoạn nạn. Đại diện Qũy Tấm lòng Vàng Lao Động cũng đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng các suất quà, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng cho gia đình có người bị nạn. Phần quà tuy không lớn nhưng để động viên tinh thần các gia đình sớm vượt qua nỗi đau mưa lũ, để vươn lên trong cuộc sống.