Buổi tri ân đặc biệt
Từ sáng sớm 14.3, rất đông người dân và chính quyền địa phương đã tập trung đến NTLS phường Quảng Phúc để cùng nhớ về một ngày đặc biệt. Nơi đây, vào năm 1991 LS, AHLLVTND, Phó Chỉ huy trưởng Đảo Gạc Ma Trần Văn Phương – một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu kiên trung với khẩu hiệu bất khuất, oai hung trước lúc hy sinh khi bị quân Trung Quốc tấn công “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo” - được gia đình và đồng đội đưa anh từ Trường Sa trở về với đất mẹ quê hương.
Gặp nhau thì cũng có nhiều trong 28 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên, những đồng đội cùng chiến đấu, cùng trên chuyến tàu HQ 604 năm xưa tề tựu với nhau, cùng đông đảo người dân và lãnh đạo địa phương chung thắp nén hương để cùng tri ân cho 64 đồng đội đã hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc. Mẹ Hồ Thị Đức – mẹ LS Phương – xúc động không nói nên lời “năm ni thấy đồng đội con tề tựu về đông quá, người dân đến đông, mẹ thấy ấm lòng quá”.
Rồi tất cả như vỡ oà xúc động khi bài Văn tế 64 chiến sỹ Gạc Ma của anh em văn nghệ sỹ thị xã Ba Đồn vang lên với âm thanh hào sảng, 64 chiến sỹ hy sinh được xướng tên trong không khí linh thiêng, tự hào:
“Vì Nhân dân, quản chi gối đất màn sương
Vì Đất nước nào sá gì mưa nam gió bắc
Giống kiên cường, lại tiếp kiên cường
Máu bất khuất, vẫn luôn bất khuất
Hẹn với lòng một nhục một vinh
Thề với giặc một còn một mất”
…
“Hôm nay,
Thắp nén tâm hương
Tưởng người tiết liệt
Gương hiếu trung mãi mãi chẳng phai mờ,
Máu hào kiệt ngàn đời không đổi sắc.
Hiếu với dân chẳng quản máu xương rơi,
Trung với nước đâu chờ bia đá tạc!”
Người xa nhất đến cùng đồng đội ở Quảng Bình trong ngày đặc biệt này là CCB Lê Hữu Thảo (51 tuổi, ở Hà Tĩnh). Anh Thảo cũng là Trưởng "Ban liên lạc HQ 604 Gạc Ma 88" - tên gọi gắn với con tàu mà những người đồng đội đã chiến đấu, hy sinh. Có mặt tại Quảng Bình trước đó một ngày, người chiến sỹ năm ấy lặng lẽ ra NTLS phường Quảng Phúc dọn dẹp những mộ phần, ngồi bên phần mộ LS Phương gọi điện cho những đồng đội cũ “sáng mai nhé, hãy đến cùng nhau để nối lại vòng tròn bất tử”.
Nối kết tình đồng đội
Đêm trước ngày 14.3, về Quảng Bình, CCB Lê Hữu Thảo đã ngồi cả đêm với mẹ Đức để hàn huyên tâm sự, để mẹ tự hào hơn trước sự hy sinh oai hùng của người con trai. Được gặp người đồng đội cũ của con, mẹ như được ngồi bên người con trai mà mẹ hết mực thương yêu. Đêm ấy mẹ không ngủ, mẹ mong trời nhanh sáng để được gặp nhiều hơn những đồng đội cùng chiến đấu của con. Từ sáng sớm, CCB Lê Hữu Thảo đã ra Quốc lộ 1A để đón những đồng đội ở xa tề tựu về đây. Xe dừng, CCB Trần Đức Thanh (ở xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá) vui mừng gặp lại người đồng đội xưa. Xe khác dừng, CCB Lê Thanh Miện (ở xã Hoà Trạch, huyện Bố Trạch) rưng rưng xúc động khi nhìn thấy người động đội lặng lẽ đứng đợi mình bên đường. Người đến trước đợi người đến sau, ngã tư Quảng Thọ sáng 14.3 sao mà vui đến thế, tay bắt mặt mừng, vội vàng hỏi nhau câu sức khoẻ. Xe dừng, CCB Lê Văn Đông (ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch) có mặt. Xe dừng, CCB Nguyễn Văn Thống (ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) có mặt. Rồi đến CCB Nguyễn Văn Lục (ở phường Quảng Thuỷ, thị xã Ba Đồn)…
Từ sáng sớm 14.3, mẹ Hồ Thị Đức được cháu ngoại là con gái của chiến sỹ Cảnh sát biển Trần Văn Hồng – em trai LS Phương – dẫn về NTLS phường Quảng Phúc. Chân mẹ đang đau, nhưng mẹ bắt cháu phải dẫn đến sớm vì mẹ mong ngày này đã lâu lắm rồi. 9 giờ kém 15, những đồng đội trên chuyến tàu HQ 604 như vỡ oà xúc động khi đến NTLS phường Quảng Phúc, tận mắt chứng kiến không khí ấm cúng, trang nghiêm trong buổi lễ tri ân đặc biệt này. Họ cùng nắm tay mẹ Đức, mẹ lau vội những giọt nước mắt rồi hỏi thăm sức khoẻ, tình hình cuộc sống của anh em là bạn chiến đấu năm xưa. Mẹ ngậm ngùi nói, “Các con chiến đấu oai hùng, dũng cảm khi xưa tại Gạc Ma mẹ đã nghe kể nhiều rồi, hôm ni mẹ muốn nghe về tình hình cuộc sống hiện tại ra răng, để mẹ biết, mẹ mừng, mẹ sẻ chia, để cùng vượt qua khó khăn vất vả”.
Trong khói hương mờ ảo của buổi lễ tri ân, CCB Nguyễn Văn Thống xúc động nói, “Nói thật, anh em trên chuyến tàu HQ 604 năm ấy thuộc nhiều đơn vị khác nhau. Rồi sau đó chỉ cùng nhau 2 ngày 2 đêm trên chuyến tàu ra Trường Sa nên anh em cũng chưa biết về nhau nhiều. Sau trận chiến ngày 14.3, những người còn sống không thể biết và nhớ hết những đồng đội cũ, nhờ Ban liên lạc nên anh em mới kết nối được với nhau như ngày hôm nay để giúp đỡ nhau trong cuộc sống với muôn bề khó khăn sau khi giải ngũ trở về quê hương”. Trước đó, anh Thống chỉ biết một số anh em vì cũng là bạn tù do bị Trung Quốc giam giữ sau trận chiến Gạc Ma, sau này nhờ Ban liên lạc nên anh mới biết thêm anh Lục, anh Thanh, anh Miến cũng là đồng đội xưa trên chuyến tàu năm ấy.
CCB Lê Hữu Thảo tâm sự, năm 2013 nhờ một số người thông tin nên anh mới biết LS Trần Văn Phương đã được gia đình di mộ từ đảo Sinh Tồn về an táng tại NTLS phường Quảng Phúc. Biết tin, anh đã đến ngay để viếng người đồng đội năm xưa. “Ngày 22.8.2015 Ban liên lạc ra đời với tên gọi “HQ 604 Gạc Ma 88”, tôi làm Trưởng ban, anh Thống ở Quảng Bình cùng anh Phụng ở Quảng Trị làm Phó ban. Từ đó đến nay các anh đã tìm và gặp gỡ được 16 cựu binh là đồng đội chiến đấu trên tàu HQ 604 ngày ấy. Ngoài ra, Ban Liên lạc đã thay mặt giải quyết được rất nhiều việc liên quan đến chế độ, chính sách cho anh em còn vướng mắc từ sau ngày xuất ngũ cho đến nay” – anh Thảo nói.
Hướng tới tương lai
Năm nay, chị Mai Thị Hoa - vợ liệt sỹ Trần Văn Phương - cùng cháu Trần Thị Thủy – con gái anh - không về được. Chiến sỹ Cảnh sát biển Trần Văn Hồng đang đóng quân ở Quảng Trị đã xin phép đơn vị về sớm để thắp hương cho anh trai - LS Trần Văn Phương - trong ngày đặc biệt này. Anh Hồng cho biết, anh nhập ngũ vào năm 1988 ngay sau khi nghe tin LS Phương hy sinh. Rồi nối tiếp truyền thống anh hùng, Thuỷ cùng chồng cũng là chiến sỹ Hải quân ngày đêm phụng sự Tổ quốc trong chính đơn vị cũ của cha. “Năm nay, thấy không khí thế này, thấy anh em đồng đội tề tựu rất đông, rồi đông đảo người dân và chính quyền đến thắp những nén tâm nhang nên mẹ tôi vui mừng và xúc động lắm”.
Do xuất phát điểm khó khăn, lại chịu nhiều thương tích trong chiến đấu, sức khoẻ không có nên những cựu binh năm ấy giờ cuộc sống rất khó khăn. CCB Nguyễn Văn Đông đã bao năm nay phải bươn chải vào miền Nam kiếm sống để có thêm thu nhập cho gia đình. “Bươn chải quanh năm, nhưng ngày ni là tui phải về để gặp đồng đội cũ chứ anh em mấy khi được gặp nhau. Gặp để thắp nén tâm nhang cho những người đã hy sinh, cho mình được sống như ngày hôm nay. Gặp để cùng động viên nhau vượt qua khó khăn trong sóng gió cuộc đời. Có bao giờ cùng tề tựu về đây để thắp hương cho đồng đội được đâu. Ngày ni là một ngày đặc biệt với những cựu binh Gạc Ma chúng tôi đó” – anh Đông tâm sự.
Lặng nhìn về ngôi trường phía trước NTLS, ông Nguyễn Thanh Đôn – Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc – chân tình nói, “quê hương thật tự hào khi có những người con đã anh dũng ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc. Địa phương luôn giáo dục con em noi gương truyền thống cha anh, để phấn đấu, rèn luyện”.
Buổi lễ tri ân kết thúc, trời đã quá giờ Ngọ, những người đồng đội trong trận chiến Gạc Ma năm ấy vẫn không muốn về nhà, họ cùng nhau ngồi quanh mộ phần LS Trần Văn Phương. Lặng lẽ nhìn những dòng chữ in đậm trên phần mộ, CCB Lê Hữu Thảo không thể quên được hình ảnh LS Phương khi bị trúng đạn, gục xuống, rồi anh lao tới ôm LS Phương vào lòng khi thi thể anh đang cuộn trong lá cờ Tổ quốc. CCB Lê Hữu Thảo quả quyết, “Tại Gạc Ma không ai ra lệnh cho chúng tôi phải ở lại hay rút lui. Thời gian cũng cho phép chúng tôi rút lui an toàn, nhưng tất cả anh em không làm vậy. Bởi vì chúng tôi là những người lính, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc quê hương. Giờ hoà bình, cũng phải sống sao cho xứng đáng với người lính năm xưa”. Và rồi những cựu binh ngày ấy hôm nay cùng ngồi nắm tay nhau quanh phần mộ LS – AHLLVTND Trần Văn Phương trong một ngày đặc biệt, tạo thành “vòng tròn bất tử” – vòng tròn được nối lại sau gần ba thập kỷ gánh chịu đau thương.
Nối lại "vòng tròn bất tử" sau 28 năm bên mộ phần LS Trần Văn Phương. Ảnh: LÊ PHI LONG |
CCB Nguyễn Văn Thống dìu mẹ Đức thắp hương trong buổi Lễ. Ảnh: LÊ PHI LONG |
(đăng trên laodong.com.vn, ngày