Tại Hội nghị nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức tại TP.Huế vào ngày 27.8, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy Sản  - cho biết, ngoài một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp thời gian qua, đề án của Bộ NN&PTNT trình Chính phủ tới đây bổ sung thêm nhiều chính sách mới nhằm ổn định người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Theo đó, về chính sách khôi phục, phát triển sản xuất sẽ hỗ trợ cho ngư dân vay vốn tín dụng đóng tàu. Người được vay vốn là chủ tàu cá không lắp máy, lắp máy công suất dưới 90CV tại các ngân hàng thương mại Nhà nước để  đóng mới tàu cá công suất từ 90 đến 400CV để phục vụ khai thác hải sản, làm dịch vụ hậu cần, mua ngư cụ…Ngoài ra, thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo sử dụng, vận hành tàu cá…; hỗ trợ 100% kinh phs mua bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Ngư dân được vay vốn để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản… tối đa 100 triệu đồng/hộ, lãi suất vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo.

Chính sách an sinh xã hội sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm Y tế cho ngư dân bị ảnh hưởng trong thời gian 3 năm; hỗ trợ 100% học phí cho học sinh THPT và sinh viên đại học là con ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa cá chết trong 2 năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018. Ngoài ra, hỗ trợ ngư dân đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; tiêu thụ sản phẩm thủy sản; chính sách khôi phục hoạt động du lịch…cũng đã được đề cập cụ thể tại dự thảo đề án.

Tại hội nghị, hầu hết đại biểu các tỉnh cơ bản nhất trí với các chính sách trong dự thảo đề án trên. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, vấn đề vay vốn tín dụng đóng tàu không nên không chế ở mức đóng tàu dưới 400CV. Về chính sách an sinh xã hội, một số đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất về thời gian, không nên có chính sách thực hiện hỗ trợ trong thời gian 2 năm trong khi có chính sách thực hiện 3 năm.  

Theo đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết là đã thu thập thông tin về thiệt hại của ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Đến nay, số liệu thiệt hại của 3 tỉnh thực hiện xong. Riêng tỉnh Hà Tĩnh chưa có thông tin. “Đánh giá thiệt hại của ngư dân của ngành LĐTB&XH dựa trên thu nhập của người dân trước và sau khi xảy ra sự cố. Trên tinh thần đó, Bộ LĐTB&XH sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp. Đối với chính sách chuyển đổi việc làm, Bộ sẽ đề nghị chuyển nguồn vốn ưu đãi với lượng lớn nhất cho 4 tỉnh miền Trung để làm sao hỗ trợ cho người dân có được việc làm, chuyển đổi việc làm mới”, đại diện Bộ LĐTB&XH – nói. 

Vấn đề xuất khẩu lao động sẽ định hướng cho ngư dân đi lao động tại các nước có đánh bắt xa bờ, gần bờ như Thái Lan, Hàn Quốc để giữ nghề cho ngư dân. Sau khi biển sạch, ngư dân có thể trở về tiếp tục bám biển.

“Riêng việc hỗ trợ học phí cho con em ngư dân, đề nghị Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ GD&ĐT bổ sung chính sách vào Đề án của Bộ NN&PTNT cho đầy đủ. Đồng thời cũng phải tách bạch việc hỗ trợ người dân và chủ tàu cá thành 2 mảng khác nhau. Cụ thể, cần phê duyệt trước việc hỗ trợ đối với người dân để triển khai hỗ trợ cho đối tượng này một cách kịp thời", đại diện Bộ LĐTB&XH nói thêm.

Bài viết được đăng trên chuyên trang tamlongvang.laodong.com.vn bởi (LĐO) ĐĂNG KHOA