“Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma là sản phẩm kết tinh nguyện vọng thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến 14.3.1988, của các đoàn viên công đoàn, ngư dân, cựu chiến binh và chiến sĩ hải quân, nhân dân Việt Nam yêu nước” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng - phát biểu tại buổi lễ.
Triệu con tim lay động
Tổng Biên tập Báo Dân Trí Phạm Huy Hoàn là một trong những người có mặt sớm tại Cam Lâm. Ông tham gia nhóm khảo sát thực địa và dự buổi lễ cầu siêu vong linh 64 liệt sĩ chiều 12.3. “Đây không phải là chuyến đi cá nhân; tôi vào Khánh Hòa mang theo sự ủy nhiệm của bạn đọc Dân Trí. Đợt này chúng tôi ủng hộ 505 triệu đồng cho khu tưởng niệm. Đây là tâm nguyện, đóng góp nhiều năm qua của bạn đọc trong, ngoài nước. Có những em học sinh gửi cho chúng tôi tiền mừng tuổi hằng năm, những văn nghệ sĩ, doanh nhân, viên chức, kiều bào... sôi nổi tình yêu đất nước.
Tôi tin, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi xướng, trong đó có dự án xây dựng tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma sẽ tiếp tục được bạn đọc Dân Trí ủng hộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tiền giúp đỡ các em học sinh vùng biển, các gia đình kiểm ngư viên, cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn” - ông Hoàn chia sẻ.
“Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” là chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ. Kể từ khi phát động ở Đà Nẵng, tháng 3.2014, chương trình luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã có 104,23 tỉ đồng do các cấp công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp. Một phần số tiền trên được dành chăm lo, cải thiện đời sống, hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà cửa cho thân nhân, gia đình liệt sĩ, tử sĩ Trường Sa - Hoàng Sa, những cán bộ, chiến sĩ thực thi pháp luật trên biển, những ngư dân ngoài việc mưu sinh còn nhận lãnh trách nhiệm làm cột mốc di động ngoài hải phận xa xôi, bất trắc.
Phần còn lại được tập trung đầu tư cho khu tưởng niệm Gạc Ma. “64 chiến sĩ hải quân hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương... Máu và xác thân hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm bảo vệ chủ quyền tổ quốc của các anh sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nói về ý nghĩa của công trình văn hóa - tâm linh mang tầm vóc quốc gia.
Sự ủng hộ dành cho khu tưởng niệm Gạc Ma là vô điều kiện. Tỉnh Khánh Hòa đồng hành bằng cách thu xếp cho dự án 2,5ha đất ở vị trí rất đẹp dọc bờ biển Cam Lâm. Giới kiến trúc sư nồng nhiệt và xúc động tham gia một cuộc thi không có tiền trao thưởng. Ngay tại buổi lễ, các tổ chức công đoàn trong cả nước, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng đóng góp hơn 17 tỉ đồng.
“Đưa con đi hình hài còn nguyên vẹn, ngày trở về, con chỉ là chiếc huy chương” - bà Nguyễn Thị Hằng - mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông (Quảng Trị) - nức nở trên sân khấu giao lưu. Mẹ Hằng gạt nước mắt: “Con cái chúng tôi dù cốt nhục không còn, đã có nơi chốn cho hương hồn trú ngụ. Bao nhiêu năm day dứt mộ phần, hương khói cho con, giờ tôi mới thấy yên lòng”.
Nghĩa tình cho người đang sống
Cựu binh Lê Hữu Thảo nói, từng canh cánh câu chuyện ghi nhớ công trạng cho đồng đội ngã xuống ở Gạc Ma. Anh Thảo nguyên là trung sĩ, tiểu đội trưởng thuộc Lữ đoàn 146 tham gia chiến dịch CQ 88 trên tàu HQ 604. “Đã có những “tượng đài” bất tử trong lòng dân, nhưng một địa chỉ hiện hữu để tưởng nhớ, để ký thác, để thành nơi đi về cho người Việt Nam yêu nước lẽ ra đã là việc nên làm từ lâu.
Khi nghe tin Tổng LĐLĐVN, Báo Lao Động, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động kêu gọi xây dựng tượng đài tưởng niệm, những cựu binh Gạc Ma như tôi thực sự cảm động vì quá khứ của mình không bị quên”. Lê Hữu Thảo cũng như nhiều trường hợp khác được “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” hỗ trợ tiền (60 triệu đồng) xây dựng nhà cửa, ổn định đời sống. “Đời thường sau quân ngũ quá nhiều khó khăn. Những anh em sống sót sau trận Gạc Ma mà tôi tìm thăm được hầu hết đều chật vật. Nhiều người con cái học hành dở dang, công ăn việc làm chưa có. Tôi mong “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tiếp tục quan tâm tới đối tượng này” - anh Thảo gửi gắm.
Từ 2 tháng nay, Đinh Thị Mỹ Lệ là thành viên của Báo Lao Động. Cô gái 29 tuổi được Tổng Biên tập Báo quyết định tiếp nhận trên hành trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”. Lệ là giọt máu duy nhất còn lưu lại của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (Hoa Lư, Ninh Bình). Ngày cha ra đi, Lệ mới 13 tháng tuổi, quá nhỏ để nhận biết điều gì. “Em chỉ biết về cha qua lời kể của mẹ và ông bà. Những mẩu chuyện về cha, cuộc đời cơ cực của mẹ cho em biết mình phải sống tốt hơn hầu xứng đáng với xương máu bậc sinh thành”.
Tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, lay lắt, bấp bênh một thời gian ở vài cơ sở tư nhân, cuối cùng, Mỹ Lệ được chào đón bởi gia đình Lao Động như một nghĩa cử tri ân. Cô gọi đó là “cơ duyên”. Ngôi nhà ở phường Cam Nghĩa (TP.Cam Ranh) giờ rộng rinh với bà Đỗ Thị Hà - mẹ Mỹ Lệ. Làm quả phụ ở tuổi 23, quá trẻ để chăm chút cho hạnh phúc phần đời còn lại, bà Hà vẫn “cắn răng” ở vậy, thờ chồng nuôi con.
“Ngày đi, anh hẹn, chờ 1 năm, lên bờ rồi sẽ đưa mẹ con về nhận họ hàng đằng nội. Anh để lại 200.000 đồng, dặn, khó khăn cỡ nào, cũng ráng chăm chút cho con. Bao nhiêu năm, hễ nhớ tới anh là tôi không lòng dạ nào bước thêm bước nữa”. Thật kỳ lạ, hầu hết vợ liệt sĩ Gạc Ma đều tiết hạnh, trung trinh như vậy: Gần 30 năm quạnh hiu, một mình vò võ nuôi con.
Bà Hà coi như đã được đắp bù. Ngôi nhà ở Cam Nghĩa kiên cố, khang trang. Nó được tiếp sức một phần bởi Quỹ TLV Lao Động. Tương tự là ngôi nhà trị giá gần nửa tỉ đồng, nồng nàn mùi sơn của Trần Thị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương. Thủy hiện là thiếu úy Lữ đoàn Hải quân 146, đơn vị cũ của cha mình.
“Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” vẫn trên đường đi tới.
(đăng trên laodong.com.vn, ngày