Thoả ước nguyện
Mắt cụ Dỏ rơm rớm “thằng Tuý chắc hắn mừng lắm, vì ước nguyện trước khi lên đường nhập ngũ nay đã thành hiện thực”. Liệt sĩ Túy là con thứ tư của cụ Dỏ, nhập ngũ năm 1985, trước lúc lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, Liệt sỹ Tuý luôn canh cánh nỗi lòng làm sao để sửa sang lại ngôi nhà đang ở vì đã xuống cấp.
Thế rồi, ngôi nhà cấp 4 tạm bợ ấy lại thêm gánh chịu nỗi đau khi liệt sỹ mãi nằm lại giữa biển khơi vì bảo vệ Tổ Quốc tại trận chiến Gạc Ma năm 1988 khi ước nguyện chưa hoàn thành. Nhìn những bát cơm được xếp ngay ngắn, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, cụ Dỏ nói “Gần một năm sau khi căn nhà hoàn thành từ tấm lòng hảo tâm của mọi người, đây là lần giỗ con đầu tiên trong căn nhà mới. Tuý ơi, ước nguyện con trước lúc ra đi nay đã thành hiện thực, nhưng con đi mãi, sao không thấy con về, con ơi”.
Trước đó, ngôi nhà cũ nằm cách biển chỉ vài chục mét của ông Dỏ đã xây dựng hơn 30 năm nên xuống cấp trầm trọng, năm 2013 bị bão làm tốc mái phải lợp tấm lợp phibroximăng tạm bợ. Trước hoàn cảnh trên, Quỹ XHTT Tấm lòng vàng Lao Động đã phối hợp với Công đoàn Bộ VHTTDL hỗ trợ 100 triệu đồng để xây lại ngôi nhà mới.
Đã 27 năm trôi qua, nhưng những ký ức về người con trai liệt sỹ không thể phai mờ trong tâm trí người cha. Cụ thẫn thờ ngồi trước thềm nhà mắt hướng về phía biển. Có nhà mới, cụ vui lắm, vui không phải cho bản thân mà vui vì từ nay bàn thờ cho con trai mình đã được ấm cúng hơn, không phải lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. Các con của cụ nói, nhà ngày xưa dột nát nhưng bàn thờ liệt sỹ Tuý lúc nào cũng sạch sẽ, khô khan và ấm cúng. Giờ nhà đã khang trang hơn, nơi thờ tự cũng ấm cúng hơn nên cụ yên lòng lắm.
Chiếc bàn vuông với 64 đôi đũa
Gần đến ngày 14.3 – ngày mà 64 liệt sỹ đã hy sinh tại Gạc Ma vì bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc – nên cụ Dỏ lại nhớ con nhiều hơn. Đã nhiều năm nay, cụ Dỏ làm cúng giỗ cho con và làm giỗ chung luôn cho tất cả 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến oai hùng đó. Cụ nói, “anh em nó sống cùng nhau, chiến đấu cùng nhau, cùng chung lý tưởng vì tổ quốc rồi hy sinh cùng nhau, nên phải làm giỗ chung cho anh em nó để được thoả lòng”.
Trên chiếc bàn vuông đặt ở góc sân hướng về phía biển Đông, 64 đôi đũa, 64 cái bát được xếp ngay ngắn với đủ thứ hoa quả, giấy tiền vàng mã theo phong tục địa phương. Cụ Dỏ cẩn thận đếm và xếp từng đôi đũa, từng cái bát trên bàn, nước mắt ngấn lệ.
Hiện cụ Dỏ sống cùng gia đình người con trai út là Hoàng Văn Vũ – làm nghề đi biển, cuộc sống cũng khá khó khăn. Cụ Dỏ nói với con, dẫu có khó khăn thế nào, ngày giỗ chung cho 64 liệt sỹ vẫn phải được làm chu tất, ấm cúng. “Dù chỉ vài quả trứng, chén xôi, trái cây nhưng làm ấm lòng 64 liệt sỹ, trong đó có con trai tui. Mình nghèo thì giỗ con và đồng đội theo kiểu nghèo, nhưng cái tình thì không thể nghèo được” – ông Dỏ tâm sự.
Đúng 11 giờ trưa, cụ Dỏ thắp hương cho con và đồng đội con mình, mắt rướm lệ, cụ tận tay múc từng thìa cháo trắng lên 64 cái bát, cẩn thận đặt 64 đôi đũa, tay thắp nén hương lên bàn thờ, nước mắt cụ hoà lẫn vào mâm giỗ cho con.
Theo anh Hoàng Văn Vũ, mặc dù sứa khoẻ yếu nhưng năm nào cụ cũng tận tay chuẩn bị mâm giỗ cho con và đồng đội. Xong xuôi phần nghi lễ, cụ Dỏ một mình lặng lẽ ra bờ biển đầu làng mắt xa xăm nhìn ra phía biển, đã 27 năm nay cụ đều vậy. “Rồi một ngày tui cũng sẽ về đoàn tụ với thằng Tuý, nhưng ngày giỗ nó và đồng đội thì không thể nào quên, tui không còn thì con tui sẽ làm, tui đã nói với những người con của mình như rứa đó, đó là tâm nguyện cuối đời của tui” – cụ nói, nước mắt cụ hoà lẫn với gió cát Hải Ninh.
(đăng trên laodong.com.vn,ngày