Tham dự tại điểm cầu Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện các Bộ, ban, ngành tham dự. Dự cầu truyền hình tại điểm cầu xã Hòa Xá có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…

Cùng dự tại cả hai điểm cầu, đặc biệt còn có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với cách mạng.

 

Các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu với chủ đề hướng tới tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: T.Tiên

 

 

Cùng với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc hướng tới tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người đã để lại máu xương của mình để bảo vệ Tổ quốc, điểm nhấn của cầu truyền hình đặc biệt “Hồn thiêng sông núi” chính là các câu chuyện, là những phóng sự, những hoạt cảnh kể về những nhân vật anh hùng, liệt sĩ như bác sĩ Vũ Đình Tụng, vị Bộ trưởng Bộ Thương binh cựu binh đầu tiên của nước ta, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc…

 

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật và ký ức chân thật của các nhân chứng lịch sử, cầu truyền hình “Hồn thiêng sông núi” góp phần tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng trong mỗi người, tiếp tục tỏa sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

 

Cầu truyền hình "Hồn thiêng sông núi" đã thu hút được sự chú ý của đông đảo nhân dân tham dự. Tất cả một lòng tri ân hướng về những người có công với Tổ quốc.

 

Cầu truyền hình với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Ảnh: T.Tiên

 

Sau khi thể hiện tác phẩm "Về đây đồng đội ơi" với một niềm tri ân sâu sắc, nhạc sĩ Trương Quý Hải xúc động chia sẻ: Trong một lần chôn người đồng đội của mình hy sinh, tôi thấy mảnh giấy trong túi áo của anh thẫm máu. Bên trong có dòng chữ: "Mẹ kính yêu!". Phía dưới chưa kịp viết chữ nào chỉ có màu mực nhòe đi vì máu. Đêm đó, tôi đã viết tiếp bức thư của người đồng đội bằng những câu hát…

 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải cho biết thêm, bên cạnh những anh em đã được quy tập hài cốt yên nghỉ tại nghĩa trang, vẫn còn hơn 2.000 anh em nằm lại nơi chiến trường, xương cốt của các anh đã hóa vào đất biên cương. Trong lễ lập đài hương 100 ngày cho các anh, tôi không thể có mặt ở đó. Tôi cảm thấy rất có lỗi với anh em. Tôi nghĩ rằng, nếu đài hương đặt ở đó thì chúng tôi những người còn sống sẽ nói gì với anh em đã hy sinh. Và câu hát “Về đây đồng đội ơi” đã vang lên…, sau đó bài hát được hoàn thành. Tôi hát bài này dành tặng cho những chiến sĩ ở trận Vị Xuyên nói riêng và với các anh em chiến sĩ biên giới nói chung...

 

Chương trình là lời tri ân sâu sắc nhất mà cả nước và Thủ đô Hà Nội gửi tới các thế hệ đi trước, những người đã hy sinh xương máu và tuổi trẻ cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.