Mẹ là hậu phương
Mẹ năm nay đã 80 tuổi, nhưng vẫn hằng ngày làm ruộng vườn để mưu sinh. Ngôi nhà mẹ Đức đang ở nằm nép mình trên làng cát Đơn Sa ở phường Quảng Phúc, ngay gần Nghĩa trang Liệt sỹ của xã – nơi có mộ phần của anh ngày ngày vẫn tỏa lên những nén tâm nhang tưởng nhớ về một trong những người anh hùng trong trận chiến Gạc Ma năm 1988. Chính ngôi nhà này là nơi anh sinh ra, lớn lên rồi hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Thấy có người đến, mẹ vui hẳn lên rồi rối rít mời nước. Mẹ vui vì có người đến nói chuyện chứ ngồi một mình cũng buồn lắm, những ngày này chân mẹ bị đau không đi lại được nhiều. Nhưng khi biết chúng tôi đến thăm mẹ và thắp hương cho LS Phương, mẹ chợt chững lại, bần thần và không giấu được nỗi buồn vì những ký ức về người con trai mà mẹ hết thức yêu thương lại ùa về trong tâm trí.
Mẹ có 4 người con trai, LS Phương là con trai cả. Mẹ tâm sự, “con trai mẹ là mẹ động viên đi lính biển hết, đi để bảo vệ Tổ quốc chứ”. Năm LS Phương hy sinh, mẹ động viên đứa con thứ hai lên đường. “Thằng Phương đi xong thì thằng Hồng, thằng Hồng đi xong thì đến thằng Hiệp đi. Chừ thằng Hồng qua cảnh sát biển, còn thằng Hiệp xong thì về nhà làm ruộng với mẹ”.
Mẹ nói, “thằng Phương nói hắn đi lính về sẽ sửa nhà cho mẹ, nhưng hắn hy sinh, nhờ đồng đội và những tấm lòng hảo tâm, nhà mẹ được sửa nên mẹ cũng mừng. Mừng nhất là mẹ đã xây cơi nới ra được một phòng nhỏ để làm nơi thờ tự cho thằng Phương, rất ấm cúng”.
Mẹ kể, “cứ nhớ đến lời con Thủy – con gái LS Phương – là mẹ lại khóc, cháu tâm sự thế này “Bố ạ! Con đã đến Trường Sa, tàu đi ngang qua Gạc Ma, nơi bố và đồng đội ngã xuống. Chúng con thả vào biển những bông hoa tưởng nhớ. Cố nhủ lòng đừng khóc, nhưng nước mắt con vẫn cứ trào ra”. Mẹ thương LS Phương, học xong lớp 10 đã vào bộ đội, rồi lo lắng cho mẹ và gia đình, hy sinh vì Tổ quốc.
Lịch sử vẫn còn lưu lại mãi hình ảnh oai hung của LS Phương trước lúc hy sinh khi bị quân Trung Quốc tấn công, trước lúc ngã xuống do bị trúng đạn, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô vang khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”.
Mẹ nói, “chừ con cháu mẹ lính hải quân nhiều lắm, mẹ luôn động viên con cháu noi gương thằng Phương, dẫu không thể xóa nhòa những ký ức và nỗi buồn, nhưng mẹ sẽ là hậu phương vững chắc để con cháu phụng sự Tổ quốc”.
“Dù có hy sinh con cũng không sợ…”
Lật tìm những ký ức về người con trai, mẹ Đức đưa cho chúng tôi xem bức thư cuối cùng mà mẹ nhận được do chính tay LS Phương nắn nót từng nét chữ, bức thư được mẹ ép Plastic cẩn thẩn và được mẹ nâng niu cất giữ suốt 28 năm nay. Mẹ cũng không cho nhiều người biết, vì đọc những dòng chữ cuối cùng LS Phương gửi về cho gia đình, mẹ như xát muối vào lòng.
Bức thư được viết ngày 8.3.1988 tại Cam Ranh với lời mở đầu “Ba mẹ kính quý, 3 em thương nhớ!”
Ngoài những lời thăm hỏi gia đình, LS Phương viết “tình hình đơn vị nếu như ba má nghe đài xem báo thì sẽ biết, hiện nay cả nước đang tập trung về Trường Sa. Các đơn vị Hải quân đang tập trung sức người sức của về đây để chi viện cho Trường Sa. Riêng đơn vị đang báo động chiến đấu khẩn cấp, vì thế mà tình hình hiện nay rất nghiêm trọng.
Hiện nay Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến và quân đổ bộ đã chiếm được một đảo mới nổi của ta và còn định chiếm nhiều đảo khác nữa. Vì thế mà ta đang tổ chức lượng quân để bảo vệ đảo, con được giao nhiệm vụ chỉ huy một lực lượng theo tàu đi ra ngoài đó. Con đã lên tàu rời bến vào lúc 10 giờ tối ngày mồng 4 dương, đi được một ngày rồi nhưng vì biển động, sóng to quá, say sóng mèm cả.
Thấy nguy hiểm quá nên tàu phải quay trở lại vào nên con mới có điều kiện viết lá thư này thăm ba má và các em. Khoảng tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp, đối với con vui vẻ nhận nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ, con đi đợt này khổ lắm ba má ạ!
Ba má kính nhớ của con, trước lúc con ra đi con chỉ dặn lại ba má như thế này, khi ba má nhận được thư này của con thì ba má không phải viết thư trả lời cho con nữa, con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào, không có địa chỉ, và ba má cũng đừng trông thư con nữa, ở ngoài đó điều kiện đi lại khó khăn lắm, 5-6 tháng mới có chuyến tàu, còn con đi không biết mấy tháng nữa nhưng khả năng cũng nhanh thôi.
Chừng nào con được vào đất liền con lại về phép thăm ba má và các em”. Cuối thư, LS Phương không quên nhờ ba má chăm lo cho gia đình riêng của mình, gửi lời thăm hỏi, động viên đến gia đình ông bà, cậu mự.
Mẹ Đức nói, những khi buồn, mẹ lại lấy thư ra đọc một mình để được nghe những lời động viên từ chính người con trai mà mình hết mực yêu quý. Tay run run cất bức thư cuối cùng từ người con, chợt mẹ dừng lại lau vội giọt nước mắt lăn dài trên lá thư nhuốm màu vàng úa. Mẹ khóc rất nhiều!
(đăng trên laodong.com.vn,ngày 2:57 PM, 10/03/2016)