Nhà tui ở ngay mặt tiền... biển. Mở mắt thấy cát và biển, nhắm mắt thì nghe sóng vỗ rì rào. Khi biển còn sạch, sáng sớm tui và con trai thường lên thuyền ra biển khoảng 5 hải lý để thả lưới. Mùa nào việc nấy, khi thì con cá nục, hoặc cá trích, cá cơm... không được bộn tiền thì cũng có của ăn, của để, tích cóp từ từ vậy. Ngày thì lên thuyền, tối mà trăng sáng, cha con rủ nhau đem chiếu chăn ra trải ở bãi cát, nằm xuống là ngủ khì cho đến khi mặt trời ló dạng. Có con cá con tôm của biển, có thuyền bè để theo nghề cha ông, tui chỉ mong bình yên như rứa cho đến khi xuống hố.
Rứa rồi cá chết, cứ sáng bảnh mắt là bầy tui ra bờ biển nhặt cá chết đào hố chôn, ngày mô cũng chộ cá tấp vô, tanh tưởi cả một vùng. Có loại cá, gần cả đời làm ngư dân như tui chưa khi mô bắt được, rứa mà cũng chết, lấp xuống hố mà rơi nước mắt. Từ đó tui nghỉ đi biển 3 tháng, lo là không còn con cá con tôm gì sống được. 3 tháng trước nữa, tui gỡ đám lưới, lật lại chiếc thuyền ra vài lý xem cá mú thế nào cho khuây khỏa, thì được ít cá trích. Nhưng một cân đem vô bán được 3 ngàn đồng, tui lại lo cá bị nhiễm độc nên thôi, không đi thêm chuyến nào nữa.
Ngư dân mà không đi biển, thì bầy tui lấy gì ăn? Cát thì mênh mông đó, nhưng trồng được cây gì. Chăn nuôi thì mấy mụ ở nhà cũng vài ba con heo đó, nhưng ăn thua chi. Rứa là có được khâu vàng mô đeo tay, đeo cổ đem bán ăn dần. Con trai tui vợ con rồi, cũng lo tìm đường đi làm ăn xa, chứ ở nhà ngó chắc thì mài mô ra khâu mà ăn mãi được.
Nhưng kêu khó mãi cũng không thể hết khổ được. Nên từ hôm nghe nước biển sạch rồi, cá tầng nổi đã ăn được nên tui bàn với con trai tu sửa lại tàu thuyền. Cả hai chiếc 10CV và 8CV vừa được đại trùng tu, lưới cũng được vá cẩn thận nên hôm 25.9 ra biển, bắt được mớ cá ngân đem vào. Trước giá được hơn 10 ngàn, chừ lên gần 30 ngàn nên khi trừ các chi phí cũng có cái bỏ vào túi. Sau hôm đó biển động đến chừ, không thì cũng ra đó kiếm ít cá nục, cá chim, các trích... để bù lại mấy tháng liền nằm bờ.
Tới đây, khi nhận được tiền đền bù tui sẽ nâng cấp cái máy, thuyền mạnh hơn thì đi xa hơn, mới mong kiếm được nhiều cá. Còn mong muốn lớn nhất, thì biển yên lành như xưa, người dân ăn cá trở lại và giá cá ổn định. Chứ trông chi tiền đền bù của Nhà nước, biển sạch thì bám biển mà sống thôi.
(Ngư dân Trương Xuân Thiệt, 73 tuổi, trú tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)
Bài viết được đăng trên chuyên trang tamlongvang.laodong.com.vn bởi (LĐO) HƯNG THƠ GHI