Thông báo hoàn cảnh liên hệ Hỏi đáp Những tấm lòng vàng Câu chuyện nhân ái Từ thiện bốn phương Giới thiệu

Bản đồ từ thiện

Chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

>> LD23040: Bé trai 5 tuổi 33 lần vào hóa chất chống chọi với khối u ác của bể thận

Bạn đọc Báo Lao Động ủng hộ 2 mẹ con nữ công nhân gom rác ở Hà Nội hơn 200 triệu đồng

Hà Nội - “Tôi đã nhận được hơn 206 triệu đồng từ các mạnh thường quân, bạn đọc của Báo Lao Động hỗ trợ. Từ giờ con trai tôi không còn phải theo mẹ mỗi ngày đi gom rác nữa”.

Đó là tâm sự của chị Phạm Thị Lan (31 tuổi, công nhân môi trường thuộc Tổ 8, Công ty Urenco 1 chi nhánh Ba Đình, thuê trọ tại làng Vạn Phúc) - nhân vật trong câu chuyện mà Báo Lao Động đăng tải ngày 27.12: “Bé trai 2 tuổi theo mẹ lao công đi gom rác mỗi ngày ở Hà Nội” khiến nhiều người xót xa.

Tròn 1 tháng sau khi bài viết được đăng tải, chị Lan đã nhận được số tiền hỗ trợ là 206.545.000 đồng, cùng nhiều hiện vật như quần áo, đồ chơi, sách vở của bạn đọc báo giúp đỡ. Số tiền này đến trong lúc gia đình chị gặp khó khăn nhất, thời điểm cuối năm nên chị vô cùng biết ơn và cảm động.

Trao tiền hỗ trợ cho chị Phạm Thị Lan. Ảnh: TG
Trao tiền hỗ trợ cho chị Phạm Thị Lan. Ảnh: TG

Như đã đưa tin, chị Phạm Thị Lan là mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ (cu Thóc) hơn 2 tuổi. Do có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày, chị đều phải đưa Thóc theo bên mình, đến các điểm thu gom rác thải bất kể thời tiết nắng mưa hay giá rét.

Công việc của chị nặng nhọc, một ca làm kéo dài 11 tiếng, cả hai mẹ con phải đi trung bình từ 7 – 8 chuyến, mỗi chuyến chừng 50 phút mới thu gom xong lượng rác tồn đọng. Cu Thóc và mẹ chỉ về nhà khi trời đã khuya hay thậm chí là rạng sáng.

Cu Thóc (hơn 2 tuổi) từng theo mẹ mỗi ngày đi gom rác ở Hà Nội.
Cu Thóc (hơn 2 tuổi) từng theo mẹ mỗi ngày đi gom rác ở Hà Nội.
Cu Thóc (hơn 2 tuổi) từng theo mẹ mỗi ngày đi gom rác ở Hà Nội.

Nhớ lại thời điểm đầy khó khăn đó, chị Lan chia sẻ: “Cuộc sống khắc nghiệt nhưng chưa khi nào tôi và bé Thóc mất đi niềm tin và động lực để vượt qua nghịch cảnh. Tôi không thể nghĩ rằng câu chuyện của mình lại có nhiều người cảm thông và chia sẻ đến thể. Bởi xã hội còn vô số hoàn cảnh đáng thương hơn 2 mẹ con tôi”.

Tưởng chừng mọi khó khăn sẽ liên tục đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ cao chưa đến mét rưỡi, chỉ nặng 44 kg, nhưng những tia hy vọng đầu tiên đã xuất hiện. Trong một tháng sau khi bài báo được chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng, từng cuộc điện thoại, nhiều lời hỏi thăm của những người lạ mặt khiến nữ công nhân vô cùng bất ngờ.

Chị Lan kể, ngày nào cũng có người gọi điện hỏi thăm hoàn cảnh hai mẹ con. Có người thậm chí muốn sắp xếp cho chị một công việc mới bớt vất vả hơn và sẵn sàng hỗ trợ nuôi bé cho đến khi bé thực sự cứng cáp. Những khó khăn trong cuộc sống của chị dường như được vơi bớt bởi sự sẻ chia, thấu hiểu và giúp đỡ.

“Nhiều người nói với tôi, họ đọc trên Báo Lao Động nên biết được hoàn cảnh. Cuối năm tôi làm thêm công việc dọn nhà cho khách cũng được họ giúp đỡ rất nhiều vì biết đến hoàn cảnh qua bài báo. Đối với cá nhân tôi, đây thật sự là một câu chuyện cổ tích mà đến giờ vẫn chưa thể tin được”, chị Lan sụt sùi chia sẻ.

Cũng theo chị Lan, kể từ thời điểm câu chuyện của chị được nhiều người biết đến, cu Thóc đã không còn phải theo mẹ đi gom rác mỗi ngày.

Thông qua Báo Lao Động, chị Lan xin được gửi lời cám ơn đến các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã và đang giúp đỡ chị trong suốt thời gian qua. Chị thấy mình mạnh mẽ, bản lĩnh hơn nhiều.

Còn về phần số tiền được các mạnh thường quân hỗ trợ, chị chia sẻ đã làm sổ tiết kiệm và không dám tiêu đến. Tất cả để dành dụm cho Thóc sau này và người mẹ già sức khỏe đang yếu dần cùng cậu con trai lớn mắc chứng suy giảm trí nhớ.

TÙNG GIANG