Nước mắt bản Khanh
Nhóm phóng viên chúng tôi bắt đầu chuyến đi đến vùng lũ Hòa Bình khi vừa nhận tin một đồng nghiệp gặp nạn tại Yên Bái trong khi tác nghiệp mưa lũ. Chẳng ai nói với nhau điều gì, nhưng trong lòng ai cũng như lửa đốt, vừa thương đồng nghiệp, vừa lo lắng đoạn đường phía trước của mình sẽ như thế nào.
Đoạn đường từ Hà Nội lên đến nơi rốn lũ Hòa Bình mưa trắng trời, quốc lộ 6 đoạn qua Lương Sơn, Hòa Bình bị chia cắt, nói như một người dân tại đây thì nước tựa như một con rồng lao xuống nhấn chìm xóm làng.
Đêm 11, rạng sáng 12.10, chúng tôi nghỉ qua đêm tại nơi thủy điện Hòa Bình vừa xả một đợt lũ lịch sử sau 10 năm.
Sáng 12.10, dự kiến của chúng tôi lên Đà Bắc - nơi có 8 người thương vong do mưa lũ đã không thành khi con đường độc đạo lên với người dân bị chia cắt, cấm đường. Ngay sau đó, chúng tôi nhận được thông tin, khu vực xóm Khanh, Phú Cường, Tân Lạc gặp nạn đêm hôm qua. 18 người bị chôn vùi trong đống đổ nát do sạt lở, và thế là chúng tôi lên đường!
Cách xóm Khanh khoảng chừng 3km, mọi thứ xung quanh vẫn diễn ra thật bình dị, làng xóm vẫn trò chuyện với nhau những câu chuyện ngày qua, khu chợ tạm vẫn đông vui, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Khung cảnh bình yên đến lạ, thế nhưng, khung cảnh ấy chẳng níu chúng tôi lại, bởi ai cũng hiểu bên trong kia là gì!
Xóm Khanh hiện ra trước mặt, một đoàn xe nối đuôi nhau trên con đường dẫn vào xóm, từ xe cứu hộ, xe cứu thương cho tới đoàn xe của cánh phóng viên báo chí lên đưa tin sạt lở. Tiếng khóc ai oán vang lên từ đầu xóm, những chiếc quan tài xếp hàng dài trên con đường đầy bùn đất, người ta ôm nhau khóc, người ta động viên nhau ăn vài miếng bánh mì, uống vài ngụm sữa để lấy sức. Cả người trẻ cho tới người già trong xóm, ai cũng bàng hoàng khi nhớ lại những gì vừa diễn ra với gia đình, người thân mình đêm qua. 8h30 sáng, 10h người vẫn còn bị vùi trong đống đổ nát kia!
Anh Đinh Công Niên (30 tuổi, xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình), sống ở gần khu vực sạt lở và có 4 người thân bị nạn, gồm chị ruột là Đinh Thị Đằng (39 tuổi), anh rể Đinh Công Hưn (42 tuổi), và 2 con Đinh Công Nghĩa (24 tuổi) và Đinh Công Ngoan (21 tuổi), đến 9h sáng 12.10 mới tìm thấy thi thể của cháu Ngoan.
Anh bàng hoàng kể lại, lúc 1h đêm, trong lúc đang ngủ say, anh nghe thấy tiếng động lớn, chạy ra thì thấy khối lượng đất đá và nước lớn tràn từ trên đồi đổ ập xuống. “Sự việc diễn ra quá nhanh trong khoảng 5 phút, tất cả các nhà sàn dưới chân đồi đều bị vùi lấp. Ngay sau đó, tôi gọi điện cho chị gái nhưng không ai bắt máy”.
Để đi đến hiện trường sạt lở, nơi lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích, chúng tôi phải băng qua một đoạn đường đầy bùn đất, trận sạt lở đêm qua cộng với trời mưa gió khiến con đường khó đi hơn. Một thanh chắn tạm được dựng lên ngăn cách hiện trường tìm kiếm với bên ngoài, bên trong khu vực sạt lở, hàng trăm người đang tích cực đào, bới, tìm kiếm những nạn nhân đang nằm sâu dưới đống đất đá lạnh lẽo đêm qua.
Khoảng 8h30, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp đến hiện trường thị sát và chỉ đạo công tác cứu hộ. Phó Thủ tướng dặn dò các anh em trong đội cứu hộ phải nỗ lực hết sức, vượt qua khó khăn để tìm kiếm người bị nạn. Công việc rất nhiều, hiện nay mới tìm được 8 nạn nhân trong khi đất đá đang vùi lấp hoàn toàn cả khu vực nhà dân nên Phó Thủ tướng nhắc nhở anh em phải hết sức tập trung, chủ động, đề phòng những sự cố mới, hạn chế thiệt hại.
Đi sâu vào hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở làm 18 người bị vùi lấp trong đêm, hàng chục chiến sĩ Cảnh sát PCCC và lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn đang tích cực tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Tại lán nghỉ chân của lực lượng chức năng, những chiến sĩ PCCC sau hàng chục giờ tìm kiếm tranh thủ nghỉ ngơi trước khi tiếp tục vào hiện trường.
Chúng tôi gặp chiến sĩ trẻ Bùi Hoàng Sơn (23 tuổi) khi anh đang tranh thủ gặm miếng lương khô và uống ngụm nước lọc. Mắt anh vẫn còn đỏ ngầu vì thiếu ngủ, người lấm lem bùn đất. Là lính nghĩa vụ, lần đầu tiên tham gia cứu hộ, cứu nạn, chiến sĩ Sơn không khỏi hoang mang, bỡ ngỡ.
Anh chia sẻ: “Ban đầu, khi vừa vào đến nơi thì tôi cũng chưa biết có nhiều người bị vùi lấp, mắc kẹt đến như vậy, phát hiện được thi thể đầu tiên, tôi vừa mừng nhưng lại vừa sợ, càng về sau, khi phát hiện được nhiều thi thể, tôi quen dần và không còn sợ nữa”.
Lúc này, anh cũng như các chiến sĩ khác chỉ tập trung hết sức vào việc cứu hộ, mong sao giúp người dân sớm tìm được thân nhân gặp nạn.
Còn một tia hy vọng vẫn phải tìm kiếm nạn nhân
Còn đối với Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Hòa Bình Trần Trung Thịnh, từ 3h sáng, anh và lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường. Do mưa lớn gây sạt lở, chia cắt nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
“Sáng sớm, trời mưa lạnh, hàng chục cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đã phải lội ruộng để tiếp cận hiện trường, khi chưa có thiết bị, chúng tôi phải dùng dụng cụ thô sơ để đào bới, lần theo những dấu vết truy tìm nạn nhân mất tích. Việc các chiến sĩ bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ là bình thường. Nhiều chiến sĩ trong khi đào bới đã bị thụt cả nửa người xuống bùn đất. Vợ con tôi ở nhà lo lắng gọi điện hỏi thăm liên tục nhưng vì nhiệm vụ, vì công việc nên tôi cũng chỉ nói với vợ được đôi câu cho cô ấy yên tâm”.
Các chiến sĩ đã túc trực, tìm kiếm, cứu nạn từ 3h sáng đến 11h trưa mới được nghỉ, trong suốt khoảng thời gian đó, họ chỉ được lót dạ bằng lương khô và nước lọc. Mỗi người chỉ được nghỉ khoảng 15-20 phút sau đó lại tiếp tục lao vào cứu nạn.
Trong căn nhà sàn nhỏ nằm cách khu vực sạt lở khoảng 50 mét, không khí tang thương bao trùm. Cỗ quan tài mới được đặt giữa nhà, người già, trẻ nhỏ khóc ngất vì đau xót. Nạn nhân là ông Đinh Văn Sinh vừa được tìm thấy trong đống đổ nát, được lực lượng tìm kiếm đưa về cho người nhà lo thủ tục an táng.
Chiếu tối 10.10, do có vụ sạt lở nhỏ xảy ra khiến nhà của một số hộ dân bị hư hỏng, ông Sinh cùng với ông Đinh Công Hức (Trưởng xóm Khanh) đã cùng nhau đến hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại.
“Lúc anh đi, tôi và con gái út cũng cản vì lo lắng nhưng anh không nghe vẫn quyết đi và giúp người ta” - bà Xuân khóc nức lên khi nói đến đây. Sau khi chồng đi, bà cũng thấp thỏm cả đêm không ngủ được, đến 1h sáng, nghe thấy tiếng động lớn từ ngọn đồi cạnh nhà, bà Xuân chạy ra thì thấy toàn bộ đất đá đổ ụp xuống những ngôi nhà phía dưới, trong đó có gia đình mà chồng bà đến và ngủ lại.
Biết chuyện chẳng lành, bà Xuân đã gọi điện thoại ngay cho chồng nhưng không được. Lúc 8h sáng, thi thể của ông Sinh được tìm thấy và đưa về làm tang lễ tại nhà. Con gái cả và con trai thứ làm ở Hà Nội, nghe tin bố mất đã vội chạy xe máy về chịu tang bố.
Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Đinh Công Sứ cũng có mặt tại hiện trường vụ sạt lở, ông Sứ cho biết, về công tác khắc phục hậu quả, huyện đã hỗ trợ các gia đình nạn nhân chuẩn bị hậu sự, đồng thời UBND tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/nạn nhân, UBND huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/nạn nhân, các tổ chức, cá nhân T.Ư và địa phương cũng có những hình thức hỗ trợ vật chất, tinh thần.
“Được sự hỗ trợ của lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn từ T.Ư, Bộ Công an, chúng tôi đã dùng máy dò và chó nghiệp vụ kết hợp với huy động máy móc tích cực tìm kiếm những nạn nhân còn lại” - Chủ tịch huyện Tân Lạc thông tin. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, ngoài 4 gia đình có người mất tích, còn 40 hộ bị ảnh hưởng hư hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi.
Đến 18h ngày 12.10, 10 người đã được tìm thấy trong đống đổ nát và toàn bộ đã tử vong. Đêm tối, xóm Khanh ít ánh đèn, chỉ có những ánh đèn xe, đèn chuyên dụng được dùng trong quá trình tìm kiếm, vậy là 8 người thân của bao nhiêu con người vẫn phải nằm lại nơi đất đá lạnh lẽo. Phóng viên chúng tôi nhìn nhau, chẳng ai nói được điều gì, một ngày nhiều cảm xúc, và đêm nay lại là một đêm chờ đợi.