Những tấm lòng nhân ái như những tia nắng ấm của mùa xuân xua tan mùa đông lạnh giá.
Cuộc đời này có rất nhiều người đang cần được yêu thương. Mỗi chúng ta cũng đang cần có một ai đó để yêu thương. Sẽ đẹp, sẽ đáng sống hơn rất nhiều nếu sự yêu thương đó được tiếp nối đến vô cùng. Đó là thông điệp từ chương trình “Sống để yêu thương” của Hệ Phát thanh có hình (VOVTV), Đài Tiếng nói Việt Nam...
Một hôm tình cờ nghe ca khúc “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, tôi thực sự xúc động với ca từ “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”, một ý tưởng vụt đến. Phải rồi, trong cuộc sống có rất nhiều người làm việc thiện mà không hề suy tính, mà lặng lẽ hiến dâng. Một chương trình về những con người như vậy chắc chắn sẽ thuyết phục người xem. Tên chương trình sẽ là “Sống để yêu thương” với ý nghĩa: Cuộc đời này có rất nhiều người đang cần được yêu thương và mỗi người chúng ta cũng cần có một ai đó để yêu thương. Và cuộc đời này sẽ đẹp và đáng sống hơn nhiều nếu sự yêu thương đó được tiếp tục nối dài thêm.
BTV Mai Lan với các nhân vật trong chương trình “Người mẹ thứ hai của ba chàng trai oan trái”
Trao đổi ý tưởng với các BTV phòng Chuyên đề, tất cả đều thấy thú vị và hào hứng thảo luận format của chương trình. Chúng tôi quyết định hướng vào những con người bình dị nhưng có những hy sinh, đóng góp thầm lặng cho cộng đồng, không khoa trương. Thông qua đó, chương trình muốn gửi đi một thông điệp: Trong bộn bề cuộc sống gấp gáp hiện nay, vẫn còn rất nhiều con người có những nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta chưa biết tới. Những con người ấy tùy hoàn cảnh cụ thể của mình đã chia sẻ với cộng đồng bằng trái tim và tâm hồn của họ mà không cần toan tính lợi ích cho riêng mình.
Để “vẽ” nên được chân dung của họ một cách dung dị nhưng thuyết phục, phải đầu tư từ khâu lựa chọn nhân vật, xây dựng kịch bản, đến phần hình ảnh và âm thanh. Lời bình giản dị nhưng phải súc tích. Với mong muốn nhận được sự tương tác của khán giả, chương trình sẽ chạy số điện thoại, hòm thư để khán giả liên hệ. Chương trình phát cố định vào 21h35 tối thứ Tư và Chủ nhật hằng tuần để tạo thói quen theo dõi cho khán giả. Trình duyệt ý tưởng, Giám đốc VOVTV Trần Đăng Khoa khen hay và cho triển khai ngay.
Cái khó nhất của chương trình là nhân vật. Tất cả phòng tập trung tìm qua các cộng tác viên, các nguồn thông tin trên báo bạn. Chương trình đầu tiên, “Chuyện của Định” kể về chàng trai Ngô Văn Định cao 1m phấn đấu trở thành sinh viên Học viện Y dược cổ truyền, do BTV Mai Lan thực hiện, lên sóng ngày 21/9/2010. Khi duyệt chương trình, nhìn thân hình bé nhỏ, lẫm chẫm của Định, nghe chàng trai tâm sự về câu chuyện của mình, nhìn gương mặt khắc khổ nhưng ánh mắt vô cùng yêu thương của người cha dành cho Định, tôi đã lặng đi. Tôi biết, chương trình “Sống để yêu thương” của chúng tôi nhất định sẽ thành công.
Tiếp theo, hàng loạt chương trình khác phát sóng: “Chuyện cổ tích về lòng nhân ái” kể về bà cụ Trần Thị Nguyệt ở Nam Định đi ăn xin để nuôi cháu gái đỗ đại học. “Nối dài yêu thương”, câu chuyện về người lái tàu Trương Xuân Thức ở Hà Nội chấp nhận mất một cánh tay, dũng cảm phanh gấp tàu để cứu hành khách. “Gánh nặng tuổi thơ”, kể về em Nguyễn Thị Hương ở Thuận Thành, Bắc Ninh, mẹ ốm, bố mắc bệnh tâm thần, Hương vừa học vừa làm thêm, lo toan cho cả đàn em nhỏ. “Ánh sáng cuối đường hầm” là chuyện về người thanh niên Bùi Trần Hoàng bị nhiễm HIV/AIDS đã vượt qua sự tuyệt vọng để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. “Người đàn bà “điên” và những đứa con tật nguyền”, chuyện về chị Trần Thị Thanh Hương, bộ đội phục viên ở Đồ Sơn, Hải Phòng nuôi hơn 100 đứa trẻ bị tật nguyền, bị chất độc da cam. “Người mẹ thứ hai của ba chàng trai oan trái” là câu chuyện về bác sỹ Phạm Thị Hồng ở Hà Đông (Hà Nội) nhiều năm làm đơn kêu oan cho 3 thanh niên bị kết tội “hiếp dâm”. Nhờ đó, Tòa án đã trả lại tự do, giúp cả 3 thoát khỏi án oan 10 năm tù…
Những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc của “Sống để yêu thương” đã chạm tới trái tim của người xem. Ngay khi những số đầu tiên được phát sóng, chương trình đã nhận được rất nhiều phản hồi từ khán giả xin giúp đỡ các nhân vật trong chương trình. Có người giúp nhiều, có người giúp ít, có những người không có vật chất để giúp đỡ cũng xin số điện thoại của nhân vật để gọi điện chia sẻ. Có những khán giả gọi điện để bày tỏ sự xúc động của mình khi xem những khuôn hình vô cùng cảm động về cuộc sống của những bệnh nhân phong, những người nhiễm HIV… Sự hưởng ứng của khán giả cho thấy chúng tôi đã đi đúng hướng.
Nhưng một điều ngoài dự liệu khi xây dựng chương trình, là “Sống để yêu thương” đã mang lại một hiệu ứng rất tích cực đối với chính những người thực hiện chương trình. Trong quá trình gặp gỡ, làm việc, những nhân vật đã làm họ xúc động và thấy mình phải có trách nhiệm với chương trình, với cuộc sống hơn. Anh chị em nói rằng, những cống hiến của nhân vật khiến họ thực sự xúc động và cảm phục, chính vì vậy họ làm chương trình để hy vọng khán giả sẽ tiếp sức cho những nhân vật của họ. Rất nhiều BTV đã dùng tiền lương của mình để ủng hộ các nhân vật như: BTV Mai Lan mua xe đạp cho Định, BTV Hồng Quân mua tặng sơ Xuân và các bệnh nhân một đầu DVD để họ xem cho đỡ buồn, BTV Diệu Thuần đã đưa một khán giả nhiễm HIV ở Bắc Giang đến gặp tổ chức “Vì ngày mai tươi sáng” để khán giả ấy có thể tham gia sinh hoạt…
Diệu Thuần tâm sự: “Em rất xúc động khi thấy chương trình của mình có ích, khán giả đã cần đến sự giúp đỡ của em và em đã giúp được họ. Đối với người làm báo thì đó là hạnh phúc mà không phải ai cũng nhận được…”
Mùa xuân đang đến rất gần. Kíp làm chương trình lại tỏa đi nhiều nơi để tiếp tục nối dài thêm “sợi yêu thương”. Một người lính về hưu bao năm âm thầm nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi; một người đàn ông tự nguyện gánh vác công việc của người quản lăng không một ngày ngơi nghỉ chỉ vì lo những di tích phi vật thể ấy trở thành phế tích bởi sự thờ ơ của người đời; một đôi vợ chồng già cặm cụi đi xin, tích cóp để mua các phần quà giúp đỡ những người nghèo khi xuân về… Còn nhiều lắm quanh ta những tấm lòng nhân ái. Họ như những tia nắng ấm của mùa xuân xua tan mùa đông lạnh giá.
Nguồn: HIVOnline