Ngày đầu đi lính, đóng quân ở Trường Sa lớn, anh viết thư về cho mẹ kể nhiều về loài chim hải âu. Đến khi được nghỉ phép về thăm nhà, anh mang theo cả rổ trứng chim hải âu về làm quà. Chỉ còn mấy tháng nữa là xuất ngũ, nhưng Trường Sa căng thẳng, anh Thịnh liền xung phong lên tàu ra trận địa. “Ngày đó (14.3.1988), tui lòng như lửa đốt, không biết có chuyện gì đứng ngồi không yên. Mãi 2 tháng sau thì nhận được giấy báo thằng Thịnh bị mất tích trên biển. Rồi cũng phải 2 năm sau, tui mới biết con mình hy sinh. Mất thì cũng phải có xác, không có thì tui vẫn nghĩ nó còn sống đâu đó. 3 năm trước, tui được các chú hải quân đưa đi kiểm tra AND. Tui đã nghĩ mình tìm được con rồi… nhưng không phải” - mẹ Đảo nghẹn lòng.

Lần giở từng trang gia phả họ tộc mới khắc ghi tên anh Thịnh trong danh sách những người đã mất, mẹ Đảo tiếp lời: "Giờ nguyện vọng lớn nhất của tui là ráng sống để thấy được tượng đài Gạc Ma, nơi con tui và đồng đội cùng an nghỉ".

Chia tay mẹ Đảo, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình liệt sĩ Phan Tấn Dư. Giờ đây, mẹ Lê Thị Niệm (liệt sĩ Dư, thôn Mỹ Thanh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên) không còn nơm nớp lo nhà sập nữa. Nhờ LĐLĐ tỉnh, Quỹ Tấm lòng Vàng giúp đỡ, mẹ Niệm cùng gia đình đã sửa lại ngôi nhà dột nát cho khang trang. Cô con gái út Phan Thị Nhung (SN 1971) hiếu thảo với mẹ, nguyện lòng ở cạnh, chăm lo thuốc thang cho mẹ tuổi xế chiều. Theo chị Nhung, kỷ vật còn lại của liệt sĩ Dư  là tấm hình cũ sờn anh mặc áo hải quân chụp lúc chuẩn bị ra đảo, nhưng chị cũng không dám đưa cho mẹ Niệm nhìn. Nhắc đến khu tưởng niệm Gạc Ma, mắt mẹ Niệm rưng rưng: "Tôi mong được vào đó, tôi biết linh hồn con tôi đã về đó yên nghỉ".

Nhắn tin với cú pháp GM gửi 1407 để góp 20.000đ/1 tin nhắn tri ân những người con đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu của tổ quốc và thân nhân của họ.