Thông báo hoàn cảnh liên hệ Hỏi đáp Những tấm lòng vàng Câu chuyện nhân ái Từ thiện bốn phương Giới thiệu

Bản đồ từ thiện

Chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

>> LD23040: Bé trai 5 tuổi 33 lần vào hóa chất chống chọi với khối u ác của bể thận

Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động nhắc nhở những người đang sống tử tế hơn!

Nhà báo Trần Thị Thanh Thủy - nguyên Trưởng ban Công tác xã hội Báo Lao Động, người đã gắn bó với nhiều chương trình của quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động - đã có những phút trải lòng về thời gian còn làm việc gắn bó với quỹ: “Quỹ Tấm lòng Vàng nhắc nhở những người đang sống tử tế hơn với cuộc đời”.

Là người gắn với với Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động trong suốt nhiều năm, bà có thể cho biết tinh thần làm việc của anh chị em PV thời đó như thế nào không ạ?

- Quỹ Tấm lòng Vàng là tâm huyết của anh em phóng viên Báo Lao Động. Ngày đó, chúng tôi làm việc không có ngày đêm và luôn xác định sẵn tinh thần ăn, ngủ trên xe trong những chuyến đi cứu trợ dài ngày. Có những chuyến đi tôi vừa về đến Hà Nội, chưa kịp về nhà thì lại lên đường. Và khi vào gần Hà Tĩnh rồi, tôi mới nhớ ra để báo cho ông xã là tôi đi công tác.

Không chỉ là cá nhân tôi mà toàn bộ anh chị PV Báo Lao Động đều mang tinh thần làm việc hăng say như thế để xây dựng nhiều chương trình cho người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa, ngư dân, trẻ em… Với chúng tôi, thời gian được làm việc và cống hiến cho Quỹ Tấm lòng Vàng luôn là khoảng thời gian đẹp nhất và có ý nghĩa nhất cuộc đời mình.

 
 Với chúng tôi, thời gian được làm việc và cống hiến cho Quỹ Tấm lòng Vàng luôn là khoảng thời gian đẹp nhất và có ý nghĩa nhất cuộc đời mình.

Nhắc đến nhà báo Trần Thị Thanh Thủy thời còn làm ở Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động, nhiều bạn đọc nhớ ngay đến sự kiện cơn bão Chanchu năm 2006 đã nhấn chìm 260 ngư dân miền Trung dưới lòng biển, mà chỉ có 20 người tìm thấy xác. Thời điểm đó, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã có những hành động thiết thực như thế nào để kịp thời hỗ trợ cho những gia đình gặp nạn, thưa bà?

- Nhắc đến cơn bão Chanchu năm 2006 với tôi đến giờ đã 15 năm trôi qua nhưng nhớ lại vẫn thấy nhói trong lòng. Ngay trong đêm, PV Báo Lao Động vùng miền đã gọi điện về thông báo với chúng tôi về tình hình người dân gặp nạn như thế nào và ngay lập tức chúng tôi lên phương án, kế hoạch cứu trợ ngay.

Chúng tôi đã lên đường ngay lập tức, vào từng gia đình có người bị nạn để thăm hỏi, động viên và trao tặng quà hỗ trợ. Bên cạnh đó, Quỹ Tấm lòng Vàng còn làm sổ tiết kiệm cho các cháu mất cha mất mẹ để các cháu yên tâm tiếp tục đến trường.

Cách thức làm việc của chúng tôi đó là kết hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Liên đoàn lao động các tỉnh, địa phương, cơ sở nên có sự phối hợp chặt chẽ và rất nhiệt tình, đến được từng gia đình, hoàn cảnh cụ thể để chia sẻ.

Ngày đó đồng hành với tôi có anh Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung; anh Phan Thanh Hải, anh Hoàng Văn Minh; chị Bảo Trân… và nhiều anh chị em đồng nghiệp khác đã cùng chung tay cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân của cơn bão Chanchu đó.

Chương trình xây dựng “Tháp chuông Đồng Lộc” với vốn đầu tư lên đến 27 tỉ đồng, trong đó có sự đóng góp vô cùng lớn của Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động. Nhắc đến công trình này, chắc hẳn với bà có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc?

- Tháp chuông Đồng Lộc là công trình tâm linh với bao tâm huyết, sự cố gắng của tập thể Báo Lao Động và nhiều đơn vị đồng hành. Công trình có quá trình thai nghén khá lâu dài, được động thổ vào ngày 14.7.2007, khởi công xây dựng vào ngày 26.3.2009 và khánh thành vào ngày 2.1.2011.

 
Tôi đã từng ăn, ngủ trên xe trong những chuyến cứu trợ liên tục và dài ngày. Đó là tinh thần làm việc mà anh chị em PV Báo Lao Động xác định từ trước và cống hiến hết mình.

Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng có lẽ câu chuyện mà tôi vẫn hay kể cho anh chị em đồng nghiệp hoặc các lớp thế hệ sau nghe lại đó là vào năm 2008, có em bé học sinh lớp 1 ở Hà Nội nhờ bà dẫn đến địa chỉ của Báo Lao Động ở 51 Hàng Bồ, trên tay cầm 2 gói mì tôm đến, gặp tôi và nói: “Bác ơi. Con không có gì, con không ăn 2 bữa sáng để mang 2 gói mì hỗ trợ”. Hình ảnh cậu bé ấy cứ ôm khư khu 2 gói mì và thì thầm với tôi rằng: “Con muốn góp cho tiếng chuông bay xa” vẫn còn khiến tôi nhớ như in cho đến tận bây giờ. Tôi ngạc nhiên hỏi sao con biết chương trình này thì cậu bé đáp: “Con biết đọc chữ rồi, con đọc trên Báo Lao Động”.

Hay là trường hợp nữa - đó là có 1 cậu bé ở Lai Châu đi bộ 28km đường rừng chỉ để gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động số tiền 8.000 đồng mà tôi đã được chính chị ở Bưu điện của Lai Châu gọi điện xuống thông báo. Chị ấy vô cùng ngạc nhiên khi một em bé mang xuống gửi Bưu điện 8.000 đồng với tâm sự:  “Bố mẹ con không có tiền, thi thoảng con có tiền tiết kiệm, giờ được 8.000 đồng nên mang xuống nhờ các cô gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động”. Cậu bé đó cũng không biết nhà cách bưu điện bao xa, khi chị ở bưu điện hỏi thì mới bảo tôi rằng nhà cậu bé cách đó 28km….

Những kỷ niệm vô cùng đẹp và Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã làm được rất nhiều chương trình ý nghĩa. Trong thời gian làm việc, bà có điều gì đáng tiếc, chưa làm được không ạ?

- Chúng tôi đã có 1 thời gian vô cùng sôi động, khi mọi người đều làm bằng cả tấm lòng và sự nhiệt huyết của mình. Nhiều chương trình lớn nhỏ đã được thực hiện. Tuy nhiên, cũng có những điều khiến tôi trăn trở, đáng tiếc vì chưa thể làm được.

 
Tôi còn những điều trăn trở, suy nghĩ khi chưa làm được...

Ví dụ, có lần chúng tôi nhận tin có hoàn cảnh ông trưởng bản ở vùng núi phía Bắc, nhà cửa bị đốt rụi hết, mà trời rét căm căm, khi đó tôi có mượn được một chiếc xe máy để vào bản. Tôi cứ nhớ mãi, con đường trơn trượt, khó đi đến độ xe bị móp méo hết cả mà chúng tôi thì lỉnh kỉnh những gạo, xoong, nồi và một số vật dụng khác. Hai bên đường hoa đào nở hồng cả một vùng…

Cảnh sắc thì vô cùng đẹp nhưng tôi cứ nghĩ suy mãi để làm những con đường như thế này, chỉ cần rải đá cho bà con đi lại cho đỡ trơn trượt mà sao chưa làm được. Và tôi biết còn rất nhiều con đường như thế nữa, quả thật đi lại rất nguy hiểm cho bà con.

Hay là khi tôi đi làm chương trình ở thủy điện Sơn La, có gặp một cậu con trai tầm 5-6 tuổi, là con ông bí thư trên đó nhưng lại không có quần mặc. Tôi hỏi thì ông bí thư ngượng ngùng cho biết, cháu có 1 cái quần lấm lem bùn đất, giặt chưa khô nên không dám đi học.

Có những tình huống như thế khiến tôi rất trăn trở và suy nghĩ và đáng tiếc trong thời điểm đó, chúng tôi chưa giúp hết được nhiều người.

Rõ ràng những điều đáng tiếc của bà xuất phát bởi một chữ “tham” - đó là “tham được giúp đỡ mọi người”, “tham được làm những điều trọn vẹn”… Quan điểm của bà hạnh phúc thật sự là như thế nào, thưa bà?

 
 Tôi cho rằng, khi nào con người bớt tham, sân si, bớt đi những toan tính cho cá nhân mình, sống vì cộng đồng, xã hội và gắn trách nhiệm của mình vào đó thì sẽ hạnh phúc.

- Mỗi người một suy nghĩ, một quan điểm. Riêng cá nhân tôi cho rằng, khi nào con người bớt tham, sân si, bớt đi những toan tính cho cá nhân mình, sống vì cộng đồng, xã hội và gắn trách nhiệm của mình vào đó, thì khi ấy ta đạt được tâm an. Cội nguồn của hạnh phúc chính là tâm được an bình. Tôi may mắn có thời gian gắn bó với Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động, đó sẽ mãi mãi là khoảng thời gian đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm báo của tôi. Khi đó, tôi cảm thấy mình hạnh phúc thật sự khi được đi giúp đỡ người khác.

HỒNG PHÚC