Thông báo hoàn cảnh liên hệ Hỏi đáp Những tấm lòng vàng Câu chuyện nhân ái Từ thiện bốn phương Giới thiệu

Bản đồ từ thiện

Chung tay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

>> LD23040: Bé trai 5 tuổi 33 lần vào hóa chất chống chọi với khối u ác của bể thận

Nhà báo Nguyễn Minh Nguyệt: Làm từ thiện bao nhiêu cũng chưa đủ

Nguyên là trưởng ban CTXH, báo Lao Động, nhà báo Nguyễn Minh Nguyệt, người đã gắn bó với nhiều chương trình từ thiện của quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động chia sẻ: “Với công tác từ thiện thì làm bao nhiêu cũng là chưa đủ".

Hà Nội những ngày trở rét, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Thị Minh Nguyệt- nguyên là trưởng ban CTXH báo Lao Động giai đoạn 2020-2015. Người đã gắn liền với các chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”; “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”; “Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma”… và nhiều hoạt động từ thiện khác mang đậm dấu ấn của quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động.

 
 Nhà báo Nguyễn Minh Nguyệt- Nguyên trưởng ban CTXH báo Lao Động,  người ghi dấu ấn đậm nét qua nhiều chương trình liên quan đến biển đảo quê hương.

Thưa bà, đối tượng mà quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động hướng đến không chỉ là công nhân, người lao động nghèo mà còn mở rộng ra rất nhiều nữa, trong đó có ngư dân. Bà có thể cho biết thêm về các chương trình hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân không ạ?

- Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động không giới hạn về đối tượng hỗ trợ. Có thể nói ở đâu có người nghèo, có những mảnh đời bất hạnh thì ở đó có quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động.

Thời điểm đó thì chủ đề biển Đông trở thành điểm nóng không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực. Dưới sự chỉ đạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã phát động chương trình: “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” nhằm tập trung, hỗ trợ, kinh phí cho ngư dân không chỉ đảm bảo đánh bắt xa bờ, làm kinh tế mà còn trực tiếp bám biển, tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

Quỹ Tấm lòng Vàng có những hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ kinh phí đóng tàu, giúp trả nợ ngân hàng, tặng sổ tiết kiệm, tặng học bổng, trợ cấp cho ngư dân bị tai nạn, đặc biệt tặng thiết bị hỗ trợ thông tin liên lạc cho nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân trên tàu. Việc làm thiết thực và hiệu quả này được Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng và Bộ Tư lệnh hải quân phối hợp đánh giá cao.

Tiếp sau đó là chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, tử sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa, Hoàng Sa.

Nhắc đến các chương trình liên quan đến biển đảo, chắc hẳn bà có ấn tượng rất mạnh với sự kiện ở đảo Gạc Ma?

- Đúng thế, hơn 30 năm đã trôi qua nhưng với cá nhân tôi nói riêng và nhiều anh chị em PV Báo Lao Động nói chung vẫn khắc cốt, ghi tâm những hi sinh của 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma. Các anh đã ngã xuống, máu thịt hòa vào biển Đông, với quyết tâm giữ chủ quyền biển đảo quê hương.

 
Nhắc đến sự kiện này tôi lại nhớ như in giây phút thiêng liêng, trang trọng khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm tại bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) diễn ra ngày 13.3.2014. 

Để nhằm tri ân các chiến sĩ đảo Gạc Ma, quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã có cuộc thăm hỏi đến tận gia đình các chiến sĩ để tặng quà và gửi lời thăm hỏi. Đến thời điểm này, tất cả thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma, những cựu binh Gạc Ma đã được tri ân, hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp đỡ xây dựng từng căn nhà, xin việc làm cho con em liệt sĩ cho đến hỗ trợ thăm hỏi thường niên đối với các gia đình khó khăn.

Bên cạnh đó, tại khu tưởng niệm này còn xây dựng một không gian trưng bày, giới thiệu các kỷ vật của liệt sĩ. Nhắc đến sự kiện này tôi lại nhớ như in giây phút thiêng liêng, trang trọng khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm tại bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) diễn ra ngày 13.3.2014. Tại buổi lễ có bà Nguyễn Thị Hằng (mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông) không kiềm được cảm xúc khi đặt tay lên hòn đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm đó. Chứng kiến giây phút ấy, trái tim chúng tôi đều thắt lại.

Trong các câu chuyện, bà nhắc nhiều đến việc ngư dân của chúng ta có ý thức rất sâu sắc trong việc bám biển, khẳng định chủ quyền dân tộc. Bà có kỉ niệm nào về điều này không ạ?

- Năm 2014, tôi đi đảo Lý Sơn. Đó cũng sự kiện lần đầu tiên người dân đảo có điện lưới quốc gia. Cảnh sắc ở đó đẹp, hùng vĩ và thiêng liêng vô cùng. Đặc biệt bà con ngư dân họ ý thức được rất sâu sắc việc bám biển không chỉ là mưu sinh cho cuộc sống mà đó còn thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Trên mỗi con tàu có thể thiếu bất cứ điều gì chứ không bao giờ thiếu lá cờ bay phấp phới để khẳng định chủ quyền biển đảo.

 
Nhà báo Minh Nguyệt trao quà cho gia đình cảnh sát biển Nguyễn Đình Sơn. 

Với họ, lá cờ tổ quốc là vật bất li thân và vô cùng trân quý. Vì thế mà quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động cũng đã có các chương trình tặng nhu yếu phẩm, hỗ trợ tiền mua tàu, cấp quỹ học bổng cho con em và tặng cả lá cờ cho ngư dân. Khi họ nhận được món quà đặc biệt này, nhiều người đã rưng rưng khóc vì cảm động và đón nhận bằng cả tấm lòng tự hào của mình. Những hình ảnh đó, tôi không bao giờ quên được.

Là người gắn bó với quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động trong nhiều năm, chứng kiến những bước phát triển không ngừng của quỹ.  Chắc hẳn bà có nhiều điều muốn chia sẻ nhân kỉ niệm 25 năm thành lập Quỹ?

Được gắn bó với quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động với tôi là những tháng ngày vô cùng đáng trân trọng. Tôi cũng là thế hệ tiếp nối đàn anh, đàn chị đi trước để lan tỏa tính nhân văn của quỹ thông qua các hoạt động cụ thể.

 
Tôi tự hào vì được bước đi trên con đường thiện nguyện đó cùng quỹ Tấm lòng Vàng, được đóng góp, cống hiến 1 phần bé nhỏ của mình vào sự phát triển quỹ. 

Tôi tự hào vì được bước đi trên con đường thiện nguyện đó cùng quỹ Tấm lòng Vàng, được đóng góp, cống hiến 1 phần bé nhỏ của mình vào sự phát triển quỹ. Tôi cũng mong mỏi thế hệ sau tôi, các bạn tiếp tục phát huy và ngày càng làm tỏa sáng hơn nữa âm vang của quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động. Hành trình đó sẽ vô cùng ý nghĩa, đẹp đẽ và tự hào… khi chúng ta luôn sẵn sàng một trái tim ấm nóng để yêu thương, để chia sẻ và giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn mình.

HÔNG PHÚC