Đó là hoàn cảnh thương tâm của gia đình anh Phùng Quang Tâm (37 tuổi, trú tại Nội Đồng, Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội), đang điều trị tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Cuộc trò chuyện về tình hình sức khỏe của anh Tâm ngắt quãng nhiều lần bởi anh bị rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng từ căn bệnh teo não.

 

15 tuổi nhưng hình hài chỉ như đứa trẻ lên 3

 

Anh Tâm bị nhiễm chất độc màu da cam từ người cha đi bộ đội ở chiến trường miền Nam. Thời trai trẻ, di chứng của loại chất này chưa được thể hiện rõ, cho nên vào năm 2002, anh Tâm lấy vợ là chị Trương Thị Hạnh (sinh năm 1983). Hai vợ chồng đều là lao động tự do, ai thuê gì làm nấy.

 

Bé Duy bị nhiễm chất độc màu da cam, nên từ khi sinh ra đã bị bại não. Ảnh Ngô Cường

 

 

Những tưởng cuộc sống cứ bình lặng trôi như vậy cho đến khi bé Duy – cậu con trai đầu lòng được sinh ra, nhưng không may mang trên mình di chứng của chất độc màu da cam. Bé Duy bị bại não, không thể ngồi vững, chân tay co quắp. Hiện tại, dù đã 15 tuổi nhưng Duy chưa biết nói, hình hài như đứa trẻ lên 3.

 

“Mong mỏi con chào đời khỏe mạnh như chúng bạn nhưng điều đó xa vời quá! Từ khi sinh ra, Duy không thể ngồi vững, các cơ cứ yếu dần đi. Đưa con ra Hà Nội chữa trị mới biết con bị bệnh bại não do di chứng của chất độc chiến tranh. Từ đó đến nay con phải làm bạn với 4 bức tường, thương lắm”, người mẹ buồn lòng kể.

 

Đến năm 2016, anh chị sinh thêm cháu gái tên Phùng Thị Giang. Bé Giang càng lớn biểu hiện của di chứng chất hóa học càng rõ. Cháu bị lãng tai và chậm phát triển trí tuệ.

 

May mắn thay, cháu Phùng Mạnh Cường, sinh năm 2009 mạnh khỏe và học rất giỏi. Năm nào Cường cũng được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Khi hỏi về ước mơ của mình, bé Cường hồn nhiên đáp: “Con muốn làm công nhân, vì làm nghề này con nhanh có tiền chữa bệnh cho anh và bố. Từ khi bố đi viện, con buồn nhiều lắm, con cũng thương mẹ nữa”.

 

Gia cảnh khó khăn của gia đình anh Tâm. Ảnh Ngô Cường

 

Tai họa liên tục giáng xuống một gia đình

 

Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại cơ cực và túng quẫn hơn khi anh Tâm phát bệnh vào năm 2011. Như lời chị Hạnh nói “ông trời đã giáng cái nghiệp quá nặng xuống gia đình” bởi khi đó, anh Tâm đang làm thợ xây ở Mê Linh nhưng đột nhiên các khớp xương và cơ của anh đau nhức êm ẩm, dần dà không vận động nổi.

 

Sau khi đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ chẩn đoán anh bị teo cơ và não. Thời điểm đó, anh phải thay khớp háng, cắt bỏ đi phần chỏm xương đùi và thay bằng chỏm kim loại với một chuôi cắm vào trong lòng tủy xương đùi.

 

Căn bệnh teo não của anh Tâm đã đến giai đoạn muộn. Ảnh Ngô Cường

 

 

Phẫu thuật thay khớp háng và loại phẫu thuật lớn, đòi hỏi sự vô trùng tuyệt đối, cho nên chi phí rất cao, gần 100 triệu đồng. Thời điểm đó, gia đình anh phải vay mượn ngân hàng mới có đủ tiền để chữa trị.

 

Cái khổ dường như chưa buông tha khi thời gian gần đây căn bệnh teo não của anh trở nặng. Theo như chẩn đoán, căn bệnh quái ác này đã đi tới giai đoạn muộn, các chức năng về nhận thức hay tư duy bị hạn chế rất nhiều.

 

Anh Tâm phải liên tục nằm viện để điều trị, hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn. Ảnh Ngô Cường

 

 

Bà Suất (mẹ anh Tâm) chia sẻ: “Nhiều lúc nó không nhận ra ai hết! Tôi bón cháo mà nó hất văng bát, rồi đánh đập, coi tôi như kẻ thù. Bác sĩ nói, khi bệnh đến giai đoạn cuối thì các cơ quan như dạ dày, tá tràng… sẽ mất sự hoạt động”.

 

Chồng đau, con ốm cho nên gánh nặng và nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của chị Hạnh. Chị phải đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) từ sáng sớm đến tuối muộn, nhiều khi còn tăng ca để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

 

Nỗi khổ đau liên tục giáng xuống gia đình khi chồng và các con ốm triền miên. Ảnh Ngô Cường

 

 

Với chị Hạnh, dù vất vả, mệt nhọc nhưng không sá gì so với nỗi đau về thể xác và tinh thần mà chồng và con trai đang trải qua. “Mong ước lớn nhất của tôi là chồng sớm khỏi bệnh để về với vợ con, còn các con thật khỏe mạnh và học giỏi để sau này không phải khổ như bố mẹ chúng nó”, người phụ nữ tần tảo nghẹn ngào.

 

Mọi sự giúp đỡ anh Phùng Quang Tâm (LD1756) xin gửi về: Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 04.39232748. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động, STK: 113000000758 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 129000015204; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank - chi nhánh Hà Nội, STK: 0021000303088. Ủng hộ miễn phí tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm, STK 12410001122556. Ủng hộ miễn phí tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) - chi nhánh Hà Nội, STK: 104000143263. Hoặc liên hệ trực tiếp bà Suất (mẹ anh Phùng Quang Tâm), Địa chỉ: khu 2, thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội, SĐT: 0985501538