Bất hạnh nối tiếp bất hạnh

 

Có mặt tại gia đình anh Nguyễn Cương Quyết (SN 1984) và chị Nguyễn Thị Thêm (SN 1990) tại Nam Định, chúng tôi càng không khỏi xót xa trước nỗi đau tột cùng đã âm thầm bào mòn mọi sức lực, tiền bạc và niềm hy vọng trong nhiều năm qua của gia đình họ.

 

Cả 4 người trong gia đình anh Quyết đang từng ngày từng giờ chống chọi với căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh). Anh Quyết và chị Thêm đều mang gen bệnh Thalassemia nhưng chỉ được xét nghiệm khi đã sinh con thứ hai. Cả hai bé Nguyễn Thị Minh Hằng (SN 2011) và Nguyễn Thị Mai Hoa (SN 2012) đều được phát hiện bệnh từ lúc mới sinh.

 

Những ngày không phải điều trị tại bệnh viện, những đứa con chỉ mong bố trở về

 

 

Lấy tay lau đi giọt nước mắt, chị Thêm nức nở: “Lúc sinh bé Hằng, ngày nào bé cũng khóc từ lúc lọt lòng mẹ cho đến 9 tháng tuổi. Khoảng thời gian ấy hai vợ chồng đưa bé đi khám suốt ở các bệnh viện huyện, rồi lên tỉnh nhưng chẳng nơi nào tìm ra bệnh của bé. Lúc được 9 tháng tuổi, bé Hằng mới được đưa lên bệnh viện Nhi và điều trị suốt 7 năm nay”.

 

Sau đó thì anh Quyết và chị Thêm bàng hoàng phát hiện ra bé Hoa cũng mắc căn bệnh tai quái này.

 

“Hồi ấy lúc đưa bé Hằng lên bệnh viện Nhi khám, vợ chồng tôi vay mượn khắp nơi được 15 triệu đồng, cho cháu nằm hết 10 ngày trên đó. Khoản tiền này đối với người ta có thể rất bình thường nhưng đối với vợ chồng tôi đây là khoản tiền rất lớn. Đến bây giờ, đã qua 5 năm mà tôi vẫn chưa trả hết.

 

Cách đây hơn một tháng, bé Hằng nằm cấp cứu ròng rã vì chỉ số huyết sắc tố thấp. Từ lúc xét nghiệm và biết cháu bị bệnh, tôi suốt ngày chỉ biết khóc thôi chứ cũng chẳng làm được gì. Đợt ấy còn trùng vào dịp tết. Xét nghiệm xong là 25 Tết và đến 27 Tết tôi mới về. Từ lúc ấy cho đến ngày con ra viện, tôi chỉ biết khóc. Một tháng đấy, tôi không ăn một cái gì cả”, không cầm được nước mắt, chị Thêm vừa khóc vừa kể lại.

Hiện tại, chị Thêm cũng đang mang bệnh trong người nên không làm được việc nặng, cả gia đình trông vào thu nhập ít ỏi của người bố.

 

 

Nuốt nước mắt, tiếp tục cuộc sống màu xám

 

Để có tiền trang trải cuộc sống và chữa trị cho hai con, anh Quyết phải lên Hà Nội mưu sinh bằng đủ thứ nghề, 2 - 3 tháng mới về một lần. Nhiều hôm, cả ba mẹ con cùng ốm, chồng gọi điện về chị Thêm vẫn tươi cười bảo ba mẹ con vẫn khỏe bình thường, chứ không dám nói là ốm, sợ chồng lo lắng lại không làm được.

 

Chị Thêm thì bị thiểu năng tuần hoàn não, gan nhiễm mỡ, thoái hóa đốt sống cổ và cả huyết áp thấp nên hay ốm đau liên miên. Theo tâm sự của chị, bình thường chị phải chi li tính toán lắm, tính từng khoản tiền điều trị, tiền ăn uống ở nhà, tiền học phí, tiền ăn ở trường… Nếu mà có phát sinh như đau ốm chẳng hạn, cũng không biết lấy ở đâu để bù vào những chi phí phát sinh ấy.

 

“Ở nhà thì gạo, rau tôi tự trồng, chỉ có thức ăn của các cháu mỗi ngày hết 15.000 đồng. Quần áo của các cháu hầu hết được anh em hàng xóm mang cho, chứ còn các cháu rất hiếm khi được mẹ mua quần áo mới”.

 

Bé Hằng học chữ tại nhà

 

 

Khi được hỏi về thái độ của các con dành cho anh Quyết khi anh đi làm xa, chị Thêm nghẹn ngào kể: “Tối nào hai bé cũng đòi gọi điện cho bố, rồi lại hỏi bao giờ bố về với con. Bố cháu cứ phải an ủi hai đứa là bố còn phải ở trên này đi làm kiếm tiền để cho hai con còn lên viện, chứ nếu mà bố về thì lấy tiền đâu để con đi viện. Có lần nghe bố nói thế, bé Hoa trả lời: “Bố về đi, để con chết cũng được”.

 

Nghe con nói vậy chị xót ruột đứt gan mà không làm gì được. Cách đây hai ngày, lúc đang ngồi ăn cơm, tự nhiên Hằng hỏi, “Mẹ ơi mẹ, tại sao con lại bị bệnh?”, chị nghe xong không biết phản ứng thế nào, nước mắt cứ chảy ra vậy thôi chứ cũng không biết trả lời sao để cho con hiểu được”.

 

Hiện tại bây giờ hai vợ chồng chị vẫn chưa có tiền mua thuốc mang về cho hai bé uống tại nhà. Đôi vợ chồng trẻ cũng trăn trở lắm, vì hơn 2 năm trời chỉ lên viện điều trị xong rồi về, các bác sĩ cho đơn mà cũng không có tiền để lấy thuốc.

 

“Nếu như không uống thuốc đều đặn, có thể hai bé sẽ bị biến chứng nghiêm trọng hơn về ngoại hình, dù biết là vậy nhưng khả năng của chúng tôi giờ không đủ điều kiện để cho bé tốt hơn được. Nhắc đến việc chạy chữa cho con, lách bé Hằng bây giờ cũng to rồi, chỉ còn một thời gian ngắn nữa là cháu phải phẫu thuật cắt lách. Lại bao nhiêu nỗi lo chực chờ phía trước”, chị Thêm thở dài trước những trăn trở.

 

Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Thêm, anh Quyết (LD1735) xin gửi về: Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 04.39232748. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động, STK: 113000000758 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 129000015204; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank - chi nhánh Hà Nội, STK: 0021000303088. Ủng hộ miễn phí tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) - Chi nhánh Hà Nội, STK: 104000143263. Hoặc liên hệ trực tiếp với chị Thêm - địa chỉ: xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, Nam Định, SĐT: 0120 713 3884.